Nhiều địa phương ĐBSCL đã và đang đầu tư xây dựng các hồ chứa nhằm thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh minh họa. |
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nước ngọt trong mùa khô, nhiều địa phương đã và đang đầu tư xây dựng các hồ chứa. Bến Tre là tỉnh tiên phong trong việc này với hồ chứa nước ngọt kênh Lấp, cung cấp nước cho 200.000 người dân và 13.000 ha đất nông nghiệp. Tiếp nối thành công đó, tỉnh tiếp tục xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa với quy mô lớn hơn, dự kiến cung cấp 3 triệu m3 nước ngọt cho huyện Ba Tri.
Cà Mau cũng vừa đưa vào sử dụng hồ chứa nước ngọt tại huyện U Minh với dung tích hơn 3,8 triệu m3, phục vụ nước sinh hoạt cho 11.000 hộ dân và dự phòng chữa cháy rừng. Tiền Giang cũng đang xúc tiến dự án xây dựng hồ trữ nước ngọt ở các huyện ven biển.
Bên cạnh việc xây dựng hồ chứa, các tỉnh ĐBSCL cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao để thích ứng với điều kiện khô hạn, mặn. Mô hình "con tôm ôm cây lúa" ở Bến Tre là một ví dụ điển hình cho hiệu quả kinh tế cao và khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Mặc dù các giải pháp ứng phó đang được triển khai tích cực, song các chuyên gia cho rằng cần có một đề án tổng thể, dài hạn cho cả vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ đang xây dựng đề án tổng thể về phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn, nước sạch cho vùng này.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đến vấn đề kỹ thuật trong xây dựng hồ chứa, đảm bảo chất lượng nước và hiệu quả kinh tế. Cần cân nhắc giữa việc xây dựng nhiều hồ nhỏ phân tán hay một hồ lớn tập trung, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương.