Nhiều loài cỏ dại là thuốc chữa bệnh. |
Bởi vì, sức sống của cỏ dại rất mạnh, chủng loại cỏ dại cũng rất phong phú, đa dạng, những loài cỏ dại mà con người biết tới có khoảng 30.000 loài, phân bổ khắp nơi trên Trái đất. Chúng có thể sản sinh lượng lớn giống, hơn nữa, có khi giữa một năm sinh sôi đến 2 - 3 đời, số lượng khiến con người phải kinh ngạc. Rễ, thân rễ và thân củ của một số loài cỏ dại là cơ quan sinh sản chủ yếu, thông thường chúng ta chỉ trừ đi phần cỏ trên mặt đất, không lâu sau, trên thân rễ ở dưới đất sẽ nhanh chóng lớn lên thành cây cỏ mới. Có khi chúng ta cũng đã đào cả phần thân rễ dưới đất rồi, nhưng vẫn còn một lượng lớn hạt giống lưu lại trong đất, không lâu sau lại có thể lớn thành cây. Sức sinh sôi của cỏ dại thật khỏe. Cỏ dại có sức sống ngoan cường, có thể chịu khô, chịu úng, chịu lạnh, chịu phèn, chịu nghèo màu, vì vậy khắp nơi trên Trái Đất ta đều thấy vết tích của cỏ dại. Đất đai trong ruộng màu mỡ, cỏ dại sinh trưởng càng mạnh mẽ. Chúng ta quản lí ruộng không tốt có thể thấy cỏ dại sinh sôi nhiều hơn cả hoa màu.
Cỏ dại không những có số lượng hạt giống nhiều, sức sống đặc biệt khỏe, mà phương pháp phát tán cũng đa dạng, khiến cho cỏ dại không có cách nào bị diệt hết. Hạt giống của một số loài có thể sống hàng mấy năm trong đất hoặc trong nước, thậm chí sau mấy chục năm còn có thể nảy mầm. Ví dụ, cỏ bobo sống trong ruộng nước đến năm, mười năm; hạt của cỏ Sống đời nó ở trong đất gần trăm năm vẫn có khả năng nảy mầm. Hạt giống của rất nhiều loài cỏ dại mặc dù bị chim thú ăn, theo phân chim rơi xuống đất lại nảy mầm như thường, hay hạt giống của nhiều loài cỏ dại rất nhỏ, rất nhẹ, bay theo gió đến khắp bốn phương định cư. Có một số hạt giống còn có sức dính, có thể dính lên quần áo của người hay thân động vật rồi phát tán sang những nơi xa khác.
Cỏ dại có sức sống như thế khiến mọi người kinh ngạc, cho nên cỏ dại trong ruộng cho dù có hàng năm sử dụng các biện pháp phòng trừ nhưng vẫn không trừ hết. Vì vậy, con người vẫn phải tiếp tục nỗ lực nghiên cứu các biện pháp diệt cỏ. Nhưng có một thực tế là! Cỏ xuất hiện là để làm đất trở nên màu mỡ hơn. Nếu đất bị nén quá chặt, một số loài cỏ dại trỗi dậy với mục đích làm đất tơi xốp; và khi đất quá tơi xốp, một số loài cỏ dại khác sẽ sản sinh ra đặc tính làm đất được kết dính. Dù hiện hữu trong dáng vẻ mong manh dễ vỡ, nhưng cỏ dại lại sở hữu khả năng chống chịu vô cực. Dù là mưa lũ hay hạn hán, cái lạnh âm 40 độ C hay cái nóng đến 70 độ C cũng không tổn hại gì nhiều đến loài cỏ dại. Tuy có hơn hàng trăm, hàng nghìn loài cỏ dại, nhưng không phải cứ hễ có đất là sẽ có cỏ dại. Chúng hiện diện ở những nơi cần sự hiện diện của chúng. Vấn đề ở đây đất tốt, con người cũng từ đó mà sống tốt theo.
Thế nên, dù ta có cố gắng tiêu diệt, chúng vẫn cứ nảy nở. Chúng sẽ không vì một ai đó nguyền rủa mà than trách cho số phận của mình. Chúng biết chúng hiện hữu là có lý do. Thay vì đi tìm cái lý do cho vĩ đại, chúng cứ lặng lẽ trao mình cho đất, cho trời. Không điên cuồng tích lũy sức mạnh để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt, cũng chẳng cần chiêu trò để chứng minh tính hữu dụng. Vậy nên, một cơn bão đi qua, những góc cây to có thể bị quật ngã, nhưng với cỏ dại, chúng cứ như được tưới tắm cho sạch sẽ, cho mát mẻ và cho tràn đầy hơn nữa.
Cây trồng chỉ có thể phát triển khỏe mạnh khi sống trong một nền đất tốt, một nền đất có đầy sinh vật sống. Cỏ dại được sinh ra với sứ mệnh như thế đấy. Vậy nên, những người làm ruộng, làm vườn trên trái đất này hãy nghĩ khác về cỏ dại, nhìn nhận đúng sứ mệnh của cỏ dại. Những mảnh đất nơi có sự xuất hiện của cỏ dại thì mảnh đất ấy thực sự có sự sống. Cỏ dại hấp thu dinh dưỡng từ đất mẹ, bảo vệ và che chắn cho đất mẹ khỏi những cơn mưa nặng hạt, những dòng nước chảy xiết cuốn trôi đi bao nhiêu nguồn dinh dưỡng mà đất mẹ cất trữ.
Cỏ dại bảo vệ đất mẹ khỏi những tia nắng như thiêu đốt mà ông mặt trời chiếu xuống, cỏ dại giúp giữ nước lại để đất mẹ không bị khát khô trong những ngày hè. Cỏ dại cùng nhau bảo vệ những sinh vật nhỏ bé đang nép mình trong lòng đất mẹ. Những sinh vật ấy muốn hoàn thành sứ mệnh của mình cần sự hỗ trợ rất lớn từ cỏ dại. Cỏ dại đưa nước và không khí vào sâu bên trong để sinh vật có thể thở và hoạt động. Khi cỏ dại chết đi, chính là nguồn dinh dưỡng nuôi lớn những sinh vật ấy.
Khi cỏ dại sống trong mảnh vườn trồng đầy cây trái, cỏ dại sẽ bảo vệ bộ rễ của cây khỏi sự xói mòn của nước tưới, của mưa dầm, bảo vệ khỏi những tia nắng gắt. Bộ rễ của cỏ dại đưa O2 và CO2 vào đất để cây hô hấp và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn. Cũng chính nhờ bộ rễ của cỏ dại giúp đất vườn thoát nước tốt hơn vào mùa mưa ngập hay giúp thu hút tuyến trùng gây hại để cây không bị cắn phá.
Cỏ dại sẽ là nguồn phân xanh đầy dinh dưỡng cho cây trồng khi được cắt tỉa phủ xuống hay làm phân ủ. Cỏ dại sẽ làm giàu mùn hữu cơ cho đất mẹ, để đất mẹ nuôi lớn cây trồng. Cỏ dại dùng mùi hương và màu sắc bắt mắt của hoa để thu hút những người bạn thiên địch về vườn giúp cân bằng hệ sinh thái trong vườn, bởi khi vườn trồng mất cân bằng sinh thái, những côn trùng gây hại sẽ đến rất đông, và tấn công cây trồng rất ghê gớm.
Cỏ dại còn là nguồn thức ăn cho các vật nuôi trong nhà như bò, gà, cá,… Cỏ dại còn là vị thuốc quý để chữa bệnh và được dùng nhiều trong Đông Y. Cỏ dại như là chiếc áo giáp sắt bảo vệ đất mẹ và cây trồng khỏi những nguy hiểm xung quanh. Đừng xem cỏ dại như những tội đồ để rồi giết hại bằng những cách tàn nhẫn như thế. Hãy để cỏ dại được sống bình yên, được hoàn thành sứ mệnh mà mẹ thiên nhiên đã giao phó./.