![]() |
Nền đất không được bao phủ bởi thảm thực vật đa tầng dễ trở thành nạn nhân của những trận mưa lớn hay nắng nóng kéo dài |
Canh tác cây cà phê - tồn tại nhiều vấn đề nan giải
Biến đổi khí hậu khó dự báo không chỉ là vấn đề chung tại "thủ phủ" cà phê như Di Linh - Lâm Đồng, mà còn của các vùng trồng khác trên toàn quốc. Từ nhiều năm nay, lượng mưa thay đổi thất thường đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng cà phê, đồng thời suy giảm tính hiệu quả trong sử dụng đất trồng. Khi lượng mưa tăng cao, đất trồng bị rửa trôi, xói mòn gây suy giảm tính phù hợp trong canh tác về dinh dưỡng và mật độ các vi sinh vật có lợi. Ngược lại, khi nắng nóng kéo dài, lượng mưa sụt giảm gây nên tình trạng thất thoát nước trong đất, khiến vùng trồng khô hạn trầm trọng. Ngoài ra, thiếu hụt độ ẩm trong không khí cũng dẫn tới tình trạng héo sốc, do đó sụt giảm chất lượng và sản lượng khai thác.
Từ những vấn đề trên, có thể tạm thời đi tới kết luận: khi không có cây lớn che bóng và thảm cỏ thực vật thì đất canh tác cây cà phê sẽ gặp nhiều bất lợi. Cụ thể, khi mưa lớn, các chất dinh dưỡng màu mỡ trong đất bị xói mòn, tập trung không đồng đều trên toàn bộ diện tích canh tác, và ngược lại, nếu nắng hạn kéo dài, lượng nước bốc hơi nhanh nếu không có thảm thực vật sát nền bảo vệ. Do đó, việc tìm ra phương án để khắc phục các khiếm khuyết trên là vấn đề nan giải đối với mỗi hộ canh tác cây cà phê, đặc biệt là các khu vực đang dần chuyển đổi từ nông nghiệp hoá học sang nông nghiệp hữu cơ.
![]() |
Cây lạc dại được "quy hoạch" thành lớp thảm xanh trực tiếp bảo vệ đất trồng cà phê |
"Giải pháp kép" giúp phát triển cây cà phê bền vững
Sau nhiều năm tìm kiếm phương án và thí điểm việc đa dạng hoá tầng cây trong khu vực trồng cà phê tại Di Linh - Lâm Đồng, địa phương có đặc điểm tự nhiên tương đối cao so với mặt nước biển (khoảng 1000m), cùng khí hậu đặc trưng "4 mùa trong ngày" tại tại farm Thuần Trịnh đã đạt được những kết quả tích cực trên trang trại trồng cà phê thuần hữu cơ với diện tích khoảng 1ha. Ở tầng thấp nhất, cây lạc dại được trồng có chủ đích tại những khu vực có ánh nắng tự nhiên, tạo nên một lớp thảm thực vật che phủ đất trồng. Lớp thảm xanh này không những giảm đáng kể sự rửa trôi, xói mòn đất, mà còn giúp đất tơi xốp và thông thoáng, nâng cao độ pH và chất dinh dưỡng của đất. Ở tầng cao nhất, cây sầu riêng là giải pháp phù hợp với đặc điểm thân cây lớn và tán lá rộng, tạo nên một chiếc ô tự nhiên che phủ cho thảm thực vật bên dưới, hạn chế nắng nóng và sức xói mòn của mỗi trận mưa lớn.
Do thân cây sầu riêng lớn và khó trồng xen kẽ bao phủ toàn bộ diện tích đất trồng, cây mắc ca với kích thước và chiều cao thấp hơn được bố trí rải rác quanh khu vực canh tác, bao phủ tầng cây chính và cũng quan trọng nhất là cây cà phê. Do được che chắn 2 lớp trước mưa nắng và thiên tai như gió bão, cây cà phê được đảm bảo an toàn, đồng thời giữ được hệ vi sinh vật có lợi trong đất, tác động cộng hưởng sinh vật đa tầng cây, qua đó cải thiện được chế độ nước và độ ẩm - những yếu tố quan trọng nhất tác động tới sản lượng canh tác.
![]() |
Cây cà phê dưới lớp bảo vệ kép của đa tầng thực vật |
Bên cạnh đó, do diện tích đất trồng được quy hoạch sản xuất hữu cơ, việc tăng cường sử dụng phân ủ vi sinh từ chính phụ, phế phẩm trong quá trình sản xuất là vỏ hạt cà phê lên men sinh học, đã giúp nền đất giàu dinh dưỡng hơn, vì vậy, việc bón phân khoáng và phun thuốc bảo vệ thực vật trở nên không cần thiết khi bản thân cây trồng đã có sức đề kháng tốt với sâu bệnh tự nhiên. Ngoài ra, môi trường hoàn toàn tự nhiên cũng thu hút nhiều động vật hoang dã sinh sống, tạo nên hệ sinh thái phong phú và đa dạng.
![]() |
Chim bìm bịp - sát thủ của loài rắn tìm thường tìm đến những khu vực có cấu trúc tương tự tự nhiên |
Đối với các vùng canh tác hữu cơ, đây có thể được xem xét là giải pháp kép, giúp cây trồng vừa được bảo vệ khỏi thiên tai và sâu bệnh, vừa gia tăng sản lượng. Giải pháp đã được thí điểm thành công tại farm Thuần Trịnh, Di Linh - Lâm Đồng và được các chuyên gia đánh giá cao bởi tính sáng tạo và phù hợp với thực tiễn trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp hoá chất sang nông nghiệp hữu cơ trên toàn quốc.