Người dân Đà Nẵng tham gia mua sắm, trải nghiệm gian hàng OCOP quận Sơn Trà trong sự kiện quảng bá chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Ảnh: Thuỳ Duyên). |
Hành trình xây dựng thương hiệu OCOP từ Đà Nẵng
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là nền tảng quan trọng để khai thác tiềm năng sản phẩm địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Tại Đà Nẵng, chương trình đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân không chỉ phát triển sản phẩm còn xây dựng thương hiệu vững chắc, tìm được đầu ra trên thị trường.
Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Châu Thông là một ví dụ điển hình. Với các dòng sản phẩm trầm hương chất lượng cao, doanh nghiệp này đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi, đưa sản phẩm xuất hiện tại nhiều cửa hàng lưu niệm ở Đà Nẵng và các sân bay quốc tế trên cả nước.
Chia sẻ về sự phát triển của công ty, chị Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Công ty Châu Thông cho biết: “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Sở Công Thương và chính quyền địa phương, đặc biệt thông qua chương trình OCOP. Gần đây, công ty được hỗ trợ một gói bao bì nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lưu niệm, giúp chúng tôi cải tiến mẫu mã và mở rộng thị trường”.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm và quảng bá sản phẩm đặc trưng được đẩy mạnh đã giúp các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Anh Đỗ Văn Thượng Đỉnh, đại diện Công ty TNHH Peco Food (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) cho hay: “Nhờ sự hỗ trợ về kinh phí và các chương trình xúc tiến thương mại, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng và tiến độ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường một cách hiệu quả hơn”.
Lấy chất lượng làm cốt lõi, công nghệ làm động lực
Nhằm hướng tới phát triển bền vững, Đà Nẵng đã đề ra hai chiến lược trọng tâm để nâng tầm sản phẩm OCOP. Trước tiên, thành phố chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực và truyền thống, với sự tập trung vào các làng nghề lâu đời, dịch vụ du lịch nông thôn và những sản phẩm mang giá trị văn hóa bản địa. Song song đó, việc ứng dụng khoa học và công nghệ được đẩy mạnh nhằm tạo ra các sản phẩm nổi bật về chất lượng, tính độc đáo và có tiềm năng cạnh tranh trên thị trường. Hai định hướng này ngoài việc giúp gia tăng giá trị sản phẩm còn góp phần khẳng định vị thế của Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn di sản văn hóa.
Từ những chính sách hỗ trợ cụ thể, các doanh nghiệp và hợp tác xã tại Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, máy móc hiện đại, cải tiến bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp các sản phẩm OCOP khẳng định giá trị trên thị trường còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và du khách.
Các doanh nghiệp OCOP không ngừng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất và mở rộng thị trường (Ảnh: Thuỳ Duyên). |
Ông Trần Cảnh Nhật, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Davifood, nhận định: “Chương trình OCOP không chỉ phát triển sản phẩm mà còn gắn liền với kinh tế nông thôn, khai thác tối đa lợi thế văn hóa bản địa. Đây là thế mạnh lớn mà Việt Nam cần tận dụng để cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu: “Chúng ta cần trách nhiệm hơn trong việc đồng hành cùng các chủ thể OCOP để sản phẩm ngày càng tốt hơn. Những chính sách hỗ trợ cần được nghiên cứu và đề xuất kịp thời, thậm chí kiến nghị Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Hiện nay, các chủ thể OCOP tại Đà Nẵng đang thụ hưởng chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 88/2023 của Hội đồng Nhân dân thành phố. Chính sách này không chỉ điều chỉnh quy mô, nội dung hỗ trợ mà còn đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân tiếp cận nhiều nguồn lực.
Nhìn về tương lai, Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP để phục vụ thị trường nội địa đồng thời hướng đến xuất khẩu, góp phần nâng cao vị thế sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế. Với sự đồng hành của chính quyền và các ngành chức năng, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với văn hóa và giá trị bản địa.
Với những giá trị lẫn định hướng sát sườn, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Đà Nẵng vừa là câu chuyện kinh tế vừa là hành trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, giúp các sản phẩm địa phương vươn xa hơn, tự tin chinh phục những thị trường khó tính nhất trong tương lai.