Phú Thọ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ HTX tiếp cận công nghệ số - Ảnh minh họa. |
Điển hình như HTX Chè Thành Nam ở huyện Thanh Sơn, với việc ứng dụng hệ thống quản lý số hóa và đầu tư máy móc hiện đại, đã cho ra đời các sản phẩm chè chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Thành công của HTX Chè Thành Nam là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của CĐS trong nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm.
Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, các HTX còn đẩy mạnh CĐS trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. HTX nông nghiệp hạt giống Đất Tổ ở huyện Lâm Thao đã tận dụng nền tảng số để quảng bá sản phẩm hành xanh, góp phần nâng cao doanh thu.
Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, các cấp chính quyền ở Phú Thọ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ HTX tiếp cận công nghệ số. Huyện Thanh Sơn tập trung tập huấn, hướng dẫn các HTX ứng dụng CĐS trong quản lý, điều hành và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Huyện Lâm Thao khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ cao, CĐS vào sản xuất, chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm.
Tính đến nay, trên 70% HTX trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nền tảng số để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xây dựng nhật ký chăm sóc điện tử, sử dụng mã QR-Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các HTX trong quá trình CĐS, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng quản trị, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.
CĐS không chỉ giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, hiện đại ở Phú Thọ. Với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sự chủ động của các HTX, tin rằng CĐS sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để kinh tế tập thể ở Phú Thọ phát triển bền vững trong tương lai.