Ông Đỗ Văn Viên, xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng áp dụng công nghệ cao vào trồng nấm hữu cơ. |
Theo thống kê, Cao Bằng hiện có hàng nghìn hộ tham gia trồng nấm cho thu nhập trung bình từ 30-50 triệu đồng/năm. Một số hợp tác xã và cơ sở lớn đã đầu tư hàng tỷ đồng vào trồng nấm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Ông Đỗ Văn Viên, chủ cơ sở nấm Trúc Mai, xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng là một trong những người tiên phong đưa công nghệ cao vào sản xuất nấm hữu cơ từ năm 2018 với diện tích thử nghiệm 2.000m². Đến nay, ông Viên đã mở rộng quy mô lên 8.000m² và áp dụng quy trình nuôi trồng hiện đại.
Ông Viên cho biết, nấm hương cho giá trị kinh tế cao nhưng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe. Tôi đã đầu tư nhiều thiết bị phục vụ sản xuất nấm như: Máy trộn nguyên liệu, máy nghiền mùn cưa, máy hấp khử mùi và hệ thống kho lạnh để bảo quản nấm trái vụ đảm bảo chất lượng. Mỗi năm cơ sở sản xuất 90 tấn nấm, doanh thu hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động thôn nông. Sản phẩm nấm hương đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và đạt chuẩn hữu cơ, thị trường tiêu thụ được mở rộng từ Hà Nội đến các tỉnh lân cận.
Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng mỗi năm sản xuất 80 – 90 tấn nấm hương, trừ chi phí thu lợi hơn 1 tỷ đồng. |
Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng cũng là điển hình trồng nấm hữu cơ. Mỗi năm HTX sản xuất 60 vạn phôi, sản lượng đạt 80 - 90 tấn nấm hương, giá bán giao 70 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm HTX thu nhập hơn 1 tỷ đồng. HTX sử dụng nguyên liệu đầu vào sạch, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Trồng nấm cho hiệu quả kinh tế, song vẫn đối mặt với những khó khăn như: Chi phí đầu tư ban đầu cao; bảo quản và vận chuyển sản phẩm gặp khó khăn. Thiếu sự liên kết giữa các hộ trồng nấm và thị trường tiêu thụ. Nhiều hộ dân chỉ xem trồng nấm chỉ là nghề phụ, chưa chú trọng đầu tư phát triển quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Cao Bằng, nhiều cơ sở trồng nấm đầu tư kệ trồng nấm trong nhà còn nhiều bất cập, đặc biệt trong khâu vệ sinh môi trường. Để khắc phục, các cơ sở trồng nấm cần chú trọng áp dụng kỹ thuật bảo quản hiện đại và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Sản phẩm nấm của Hợp tác xã Yên Công đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Đến nay, nghề trồng nấm ở Cao Bằng không chỉ giúp tận dụng phế phẩm nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường, mà còn mang lại sinh kế bền vững cho hàng nghìn hộ dân. Theo ông Nông Chí Công, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, để nghề trồng, sản xuất nấm phát triển bền vững cần đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người dân đăng ký sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng lớn, sản xuất nấm hữu cơ đã mở ra hướng đi tiềm năng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cung ứng nguồn thực phẩm an toàn. Với sự hỗ trợ từ chương trình OCOP và nỗ lực của người dân, sản xuất nấm hữu cơ Cao Bằng ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.