![]() |
Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân bản địa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. |
Xuất phát từ mong muốn có việc làm và thu nhập ổn định cho người dân bản địa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hội Phụ nữ Thị trấn Mường Khương đã khảo sát thực tế và quyết định liên kết các hộ dân trồng ớt nhăn bản địa thông qua thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy.
Sau khi chia sẻ về hướng đi và nhận được sự đồng thuận của hội viên, Tổ hợp tác Na Đẩy đã bắt tay triển khai ngay. Việc đầu tiên chính là xây dựng liên kết giữa các hộ hội viên để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tìm nguồn giống ớt bản địa chất lượng và phân bón cung cấp cho các hộ. Tiếp đó, Tổ hợp tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái. Trong quá trình triển khai, Tổ hợp tác luôn đồng hành với hội viên, người dân kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ với những hội viên khó khăn, từ đó tạo động lực và tiếp thêm niềm tin cho hội viên vào cây trồng này.
Đến nay, đã có khoảng 200 hộ dân tham gia trồng ớt bản địa, với diện tích lên tới 15ha tại các thôn: Sa Pả, Lao Chải, Na Đẩy, Sả Hồ... Nhiều hộ dân trồng ớt với diện tích lớn đã cho thu hoạch từ 50-70 triệu đồng/vụ. Nhờ đó, cuộc sống của các hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định hơn. Không chỉ vậy, Tổ hợp tác Na Đẩy cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương đem lại thu nhận ổn định tại xưởng sản xuất.
![]() |
Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tìm nguồn giống ớt bản địa chất lượng và phân bón cung cấp cho các hộ. |
Theo người dân tại Na Đẩy, trồng ớt bản địa tuy cần nhiều công chăm sóc nhưng cho thu nhập cao hơn trồng ngô, làm nương... Việc liên kết sản xuất ớt đã mang lại hiệu quả cao cho người dân, góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình, phát triển kinh tế tại địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, chị Lù Thị Thương – Tổ Trưởng Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy cho biết: “Tổ hợp tác làm tương ớt theo công thức truyền thống của người địa phương. Trước kia người dân bản địa chỉ làm với số lượng nhỏ để phục vụ nhu cầu của gia đình, người thân. Nhưng vài năm trở lại đây Tổ hợp tác mới bắt đầu sản xuất với số lượng lớn hơn. Loại tương ớt này được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản như: Ớt, tỏi, muối,… nhưng lại có hương vị đặc trưng cực kỳ thơm, ngon và không lẫn với bất cứ loại ớt nào khác”.
Theo chị Lù Thị Thương, để làm ra được tương ớt ngon, người hái cần phải tỉ mỉ từ khâu thu hái, chọn lọc nguyên liệu đến quá trình ủ lên men. Ớt phải đảm bảo tươi ngon, không bị dập, nhũn. Sau khi thu hoạch, ớt sẽ được nhặt bỏ cuống ớt, rửa sạch, để ráo nước và đem xay nhuyễn. Ớt sẽ được trữ trong những thùng nhựa cỡ lớn, trộn với các loại gia vị. Thời gian lên men để tương ớt đạt đến hương vị hoàn hảo là từ 4-6 tháng.
![]() |
Cái đặc biệt của tương ớt Mường Khương là ớt được trồng ở Mường Khương chứ không phải nhập từ địa phương khác về, bởi khí hâu thổ những tạo ra cái hương vị ớt thơm ngon đặc trưng mà không ở đâu có được. |
Do quá trình lên men hoàn toàn tự nhiên, dựa theo phương pháp truyền thống, không sử dụng chất bảo quản nên người làm phải đặc biệt lưu ý đảm bảo vệ sinh, nhiệt độ cũng như gia giảm gia vị để cho ra được những thành phẩm chất lượng nhất. Chỉ một sơ xuất nhỏ về vệ sinh hay gia giảm gia vị cũng sẽ khiến tương ớt bị hỏng, bị mốc và không có hương vị thơm ngon như mong muốn. Chị Lù Thị Thương cho biết thêm, nếu người chế biến cho nhiều muối thì tương ớt sẽ bị mặn, không đạt được vị ngon. Còn cho ít muối thì tương ớt sẽ bị hỏng trong quá trình lên men.
Sau khi quá trình lên men kết thúc, tương ớt sẽ được đóng vào chai. Để tương ớt luôn được thơm ngon, thực khách sau khi mở chai nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tương ớt Mường Khương đặc biệt ngon khi thưởng thức cùng các món như: Thịt trâu sấy, lợn sấy, hải sản, mực khô,…
Trao đổi với phóng viên, bà Hà Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Mường Khương cho biết: “Cái đặc biệt của tương ớt Mường Khương là ớt được trồng ở Mường Khương chứ không phải nhập từ địa phương khác về, bởi khí hâu thổ những tạo ra cái hương vị ớt thơm ngon đặc trưng mà không ở đâu có được”. Theo bà Ngọc Anh, trong những năm qua Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy đã vận động bà con làm kinh tế rất hiệu quả, lãnh đạo địa phương mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều Tổ hợp tác khác ra đời để hỗ trợ bà con bản địa, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn phát triển kinh tế, đem lại giá trị lớn cho địa phương.
![]() |
Loại tương ớt này được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản như: Ớt, tỏi, muối,… |
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Tổ hợp tác Na Đẩy tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tham gia liên kết, mở rộng diện tích trồng ớt bản địa, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, góp phần giữ vững thương hiệu tương ớt Mường Khương. Cùng với đó, Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy mong muốn các ngành chức năng của huyện, tỉnh quản tâm, hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tương ớt Mường Khương vươn tầm Quốc tế./.