![]() |
Bà con đồng bào dân tộc háo hức bắt tay vào trồng vụ sâm đất mới, đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của huyện Bát Xát. Ảnh TN. |
Theo thông tin từ ngành nông nghiệp huyện Bát Xát, trong năm 2024, huyện Bát Xát trồng hơn 313 ha cây sâm đất hay còn gọi là củ sâm Fansipan, sâm khoai, sâm Hoàng Sin Cô được coi là đặc sản của Lào Cai.
Năm 2024, cây sâm đất được người dân trồng 106 ha trong đó, xã Y Tý trồng 27 ha, A Lù 27 ha, Trịnh Tường 40 ha, Sàng Ma Sáo 5 ha, Pa Cheo 7 ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 1.590 tấn, đem lại nguồn thu 12,7 tỷ đồng.
Mỗi gốc sâm chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch từ 5 - 7 kg củ. Cây sâm đất vừa có thể bán củ ăn và bán củ giống cho thương lái đến tận thôn thu mua. Năm 2024, mỗi hộ trồng sâm đất đều có thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên nhờ bán củ sâm.
Hiện nay những củ sâm đất giống được ủ trong lớp đất mỏng đã đâm ra những chiếc mầm xanh mập mạp. Bà con cuốc đất thành từng hố, bỏ thêm phân, sau đó đặt củ sâm đất giống vào rồi phủ lên một lớp đất mỏng. Một số hộ dân có điều kiện chung tay mua thêm phân gà ủ trấu từ dưới xuôi chuyển lên để bón cho sâm mọc tốt hơn, mong đến tháng 11 sâm lại được mùa, được giá như năm trước.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lào Cai, trước đây, bà con nơi đây chỉ trồng củ sâm bán nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh. Hiện nay các đầu mối thu mua đến tận nơi để thu gom cũng đã phần nào giúp bà con giảm thiểu sự vất vả khi mang sâm đi bán, giúp người dân có thêm thu nhập.
Củ sâm đất nhìn bề ngoài rất giống với củ khoai lang, tuy nhiên khi bổ ra, chúng có ruột trắng trong hoặc có màu vàng nhạt, mùi thơm tựa như nhân sâm. Củ càng để lâu xuống nước ăn càng giòn ngọt. Củ sâm đất còn được coi là một vị thuốc quý hiếm để sử dụng trong việc chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, bồi bổ cơ thể.