Ảnh minh họa. |
Tại Hội thảo Xúc tiến thương mại với chuyên đề "Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ngày 18/11/2024, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, thống kê từ số liệu Hải quan Việt Nam, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực (từ 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12-15%.
Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%; nhập khẩu tăng khoảng 10 %. EU nằm trong Top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (euroCham) cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo. |
Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, xuất khẩu chính ngạch phức tạp hơn bởi yêu cầu nhiều giấy tờ và cao hơn do phải chịu nhiều loại thuế, phí. Tuy nhiên, hàng hoá lại được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, qua đó giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt, khi tham gia chính ngạch, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường khó tính. Cùng đó, nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước về chính sách, vốn góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Để xuất khẩu hàng chính ngạch sang châu Âu được hiệu quả hơn, ông Đinh Sỹ Minh Lăng cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu, các tiêu chuẩn, quy định của thị trường, đánh giá năng lực hiện tại và lập kế hoạch. Ngoài ra, cần chọn tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu (ISO 9001, HACCP,...). Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn đã chọn, đào tạo nhân viên; đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Cùng đó, cải tiến công nghệ, nâng cao kỹ năng nhân viên, kiểm soát chất lượng chặt chẽ; sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu…
Trung Quốc luôn là khách hàng lớn của gạo Việt Nam Theo Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo đạt 7,7 triệu tấn, trị giá 4,8 tỷ USD, ... |
Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được ... |
Ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh. |
Lấy ví dụ thực tế từ thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán Thương mại tại Anh cho rằng, thị trường Anh có các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm, môi trường rất khắt khe. Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu này và nổi bật trong môi trường cạnh tranh cao.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam với việc xóa bỏ trên 99% dòng thuế trong vòng 6 năm. Các ngành hàng như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ và nông sản chế biến được hưởng lợi đáng kể. Để tiếp cận thị trường Anh, DN cần sử dụng Digital Marketing và Trí tuệ nhân tạo (AI); tham gia hội chợ thương mại quốc tế, hợp tác với tổ chức hỗ trợ thương mại.
"Ngoài ra, doanh nghiệp nên sử dụng chất liệu tái chế, dễ phân hủy. Thông tin rõ ràng về tên sản phẩm, thành phần, hướng dẫn sử dụng, xuất xứ. Màu sắc tinh tế, tông nhã nhặn, tránh màu đỏ và các màu sặc sỡ sẽ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Anh", ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Hưng, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế Văn phòng Chính phủ. |
Để hạn chế rủi ro, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế Văn phòng Chính phủ Nguyễn Thành Hưng cho rằng, khi giao dịch thông qua môi giới, đặc biệt đối với giao dịch xuyên biên giới, đa quốc gia được thiết lập lần đầu, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, đánh giá, kiểm tra, xác minh thông tin nhận được từ bên môi giới. Theo đó, có thể thông qua các nguồn thông tin chính thống như: Hiệp hội ngành nghề, cơ quan đại diện ngoại giao/lãnh sự của Việt Nam tại nước sở tại của bên mua. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong quá trình trao đổi, đàm phán để không mất đi vai trò trọng yếu của mình và bên còn lại trong giao dịch mua bán hàng hoá, tránh trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào bên môi giới.
Theo ông Hưng, trong bất kỳ giao dịch mua bán hàng hóa, để ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các bên thì hợp đồng mua bán phải được thiết kế với những điều khoản chặt chẽ tương ứng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực vận tải, đặc biệt là quy định về giới hạn trách nhiệm của bên vận chuyển để lường trước rủi ro phát sinh cũng như chuẩn bị sẵn phương án xử lý.