![]() |
Thực tế, từ nhiều năm trước, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thực tế, con đường “phủ” tri thức, khoa học công nghệ trên những cánh đồng đã gặt nhiều quả ngọt. Song nhìn một cách tổng thể cũng đang gặp nhiều thách thức, rào cản cần tháo gỡ để hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ và vươn ra thị trường xuất khẩu với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn.
Những năm qua, khoa học công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp. Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua.
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết: KHCN đóng vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp, là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, nếu lượng hóa có thể KHCN đóng góp khoảng 30% vào giá trị gia tăng của ngành. Ví dụ rõ nét có thể thấy ngay ở chương trình giống cây trồng, ứng dụng KHCN đã tạo ra bước đột phá lớn cho ngành lúa gạo.
Hiện nay, 85% giống lúa là giống mới, 89% là gạo chất lượng cao. Hiệu quả của giống chất lượng cao được thể hiện rõ trong giai đoạn giá lúa gạo giảm, nhưng gạo chất lượng cao vẫn duy trì giá tốt, ít bị ảnh hưởng. Khi giá lúa gạo tăng trở lại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gạo chất lượng cao tăng 100-150 đồng/kg, trong khi gạo chất lượng thấp chỉ tăng 50-100 đồng/kg. Điều này khẳng định vai trò của KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy ứng dụng KHCN trpng phát triển giống đã giúp gia tăng giá trị khoảng 38%.
KHCN đã được ứng dụng rộng khắp trên mọi lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi đến phòng chống thiên tai. Ví dụ, việc áp dụng tiến bộ KHCN vào canh tác và tưới tiết kiệm đã giúp nhà sản xuất giảm 30-50% chi phí. Giống cây trồng thế hệ mới không chỉ tăng năng suất 10-15% mà còn giảm chi phí 20-30%. Trong lĩnh vực thủy lợi, các công trình tiêu biểu như cống âu thuyền Ninh Quới và cống Cái Lớn – Cái Bé đã mang lại hiệu quả lớn, giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt và hỗ trợ sản xuất. Với lâm nghiệp, sản lượng nguyên liệu gỗ đạt 33 triệu tấn như hiện nay cũng nhờ ứng dụng KHCN.
Hiện nay, không chỉ các viện, trường mà cả doanh nghiệp cũng đang tiếp nhận KHCN từ các nước rất nhanh chóng, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam bắt nhịp và đáp ứng yêu cầu của thị trường khu vực và quốc tế.
Phát biểu chị đạo tại cuộc họp nghe báo cáo công tác đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, quy chuẩn - tiêu chuẩn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Theo đó, kể từ tháng Ba và thời gian tiếp theo trong năm, bộ sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện các kế hoạch triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực này là hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai đồng thời xây dựng bản đồ số về quy hoạch đất đai và giá đất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo vệ môi trường; đặc biệt là hoàn thiện hệ thống Cổng truy xuất nguồn gốc nông sản, hướng tới việc áp dụng toàn quốc, góp phần nâng cao tính minh bạch trong ngành nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước…
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị chuyên môn của bộ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy nhanh tốc độ số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính, bảo đảm thông suốt, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ về khoa học công nghệ và chuyển đổi số cho giai đoạn từ nay đến năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, cần có chiến lược rõ ràng và kế hoạch tài chính cụ thể.
![]() Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung ... |
![]() Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên đã chủ trì buổi làm việc với Cục Chuyển ... |
![]() Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Trong xây dựng kế hoạch và kịch bản triển khai, chúng ta ... |