![]() |
Măng tây được chị Sen chăm sóc cắt tỉa rất cẩn thận. |
Tại thôn Minh Hậu, xã Tân Minh, huyện Tiên Lãng TP. Hải Phòng, gia đình chị Nguyễn Thị Sen đang sở hữu 1 ha măng tây và rau màu các loại, áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn cho hiệu quả cao, bỏ túi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đến thăm mô hình trồng măng tây và rau của gia đình chị Sen, chị vừa làm vừa tâm sự với phóng viên, trước khi bén duyên với nghề trồng măng tây chị Sen đã từng làm việc tại một công ty dịch vụ xuất nhập khẩu tại Hải Phòng.
Trong thời gian vẫn còn đi làm công ty chị cũng được thưởng thức món măng tây thấy món ăn này rất ngon, cũng nhiều lần xem phóng sự trên truyền hình nói về loại rau này được bán trên thị trường với giá cũng cao. Chị Sen đã nuôi ý định bỏ làm công ty về trồng măng tây.
Nhận thấy cây măng tây là thứ rau cao cấp được ví như “rau vua”, ăn ngon, ngọt, hấp dẫn, được nhiều người ưa chuộng, trồng một lần nhưng thu hoạch được nhiều năm. Chị Sen đã bàn bạc với chồng, sau đó quyết định về quê đầu tư xây dựng mô hình trồng măng tây trên đồng đất quê hương Tiên Lãng.
Khi mọi thứ còn khá mới mẻ với gia đình, nhưng bằng sự quyết tâm cao của 2 vợ chồng chị, nên mô hình trồng măng tây đã được triển khai.
Năm 2018, từ diện tích ruộng có sẵn của gia đình và chị Sen đi thuê mướn thêm ruộng một số gia đình khác để thực hiện ước mơ làm nông nghiệp của mình.
Khi bắt đầu thực hiện công việc, tìm hiểu thấy đặc tính của cây măng tây là thứ cây thân rễ của chúng mọc ngầm trong đất, ưa những nơi có môi trường đất tơi xốp, độ ẩm cao, khí hậu ấm áp. Vì vậy chị Sen đã chú trọng ngay từ khâu làm đất, tạo môi trường phát triển toàn diện cho măng tây sinh sôi nảy nở, chị Sen đi gom rơm khắp cánh đồng mang về vừa ủ mục làm phân, đồng thời cũng vừa mang che phủ mặt luống để hạn chế cỏ dại và để giữ ẩm cho đất.
Chia sẻ về kinh nghiệm, chị Sen nói: trồng măng tây cũng không có gì khó, chỉ cần có chút kỹ thuật và kinh nghiệm là có thể thành công. Cây măng tây trồng sau 3 tháng ươm giống và 4 -6 tháng trồng là có thể thu hoạch. Việc thu hoạch sẽ được duy trì trong 6 tháng liên tục và kéo dài trong 4 -8 năm tiếp theo.
![]() |
Cây măng tây trồng sau 3 tháng ươm giống và 4 -6 tháng trồng là có thể thu hoạch. |
Thời điểm vàng để thu hoạch măng tây là từ tháng 3 đến tháng 5 trong năm, năng suất của cây cũng được tăng dần theo thời gian. Cây măng tây sẽ được thu hoạch ngay khi cây măng con đâm chồi từ gốc cây mẹ, khi thấy mầm măng nhú lên khoảng 20 -30cm là thu hoạch.
Muốn măng tây có nhiều mầm, năng suất và chất lượng thì môi trường của cây luôn đảm bảo đủ dinh dưỡng, độ tơi xốp cao, thuận lợi để măng vươn chồi đẻ nhánh.
Hiện nay gia đình chị Sen đang áp dụng phương pháp trồng theo hướng hữu cơ, không dùng hóa chất. Hằng ngày, chị Sen phải dọn sạch cỏ, tỉa bỏ lá già để ngăn ngừa các loại sâu và rầy rệp gây hại cho măng tây.
Để măng tây có đủ ẩm, chị Sen đã đầu tư hệ thống ống nước tưới tự động, nhỏ giọt. Nước cung cấp đầy đủ đến từng gốc cây, đảm bảo độ ẩm phù hợp cho cây măng tây phát triển trong mọi thời điểm.
Nguồn phân hữu cơ được chị Sen ủ với tất các phế phẩm từ nông nghiệp trộn lẫn với phân gà, vỏ tôm cá, bổ sung thêm supe lân, vi nấm đối kháng cộng thêm với kem rỉ mật. Tất cả các hỗn hợp trên được chị Sen ủ ít nhất từ 6 tháng liên tục, các phế phẩm sau khi đã được phân hủy mới mang bón cho cây.
Đến nay, diện tích trồng măng tây của gia đình chị Sen cho thu hoạch bình quân 60kg - 80kg/ngày với giá bán trung bình từ 85 nghìn/kg (5 triệu đến hơn 8 triệu đồng/ngày). Hiện, chị Sen đang cung cấp măng tây tại các cửa hàng rau củ sạch trong thành phố.
Khách ăn thưởng thức ngày càng nhiều lên, có lúc gia đình chị Sen cũng không đủ hàng để bán. Sản phẩm măng tây của gia đình chị Sen được Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Phòng cấp mã số vùng trồng đảm bảo nông sản sạch đến tay người tiêu dùng.
![]() |
Chị Sen còn trồng nhiều các loại rau an toàn khác như: xu hào, bắp cải, cà chua, dưa chuột bao tử… |
Ngoài trồng măng tây, chị Sen còn trồng nhiều các loại rau an toàn khác như: xu hào, bắp cải, cà chua, dưa chuột bao tử… Vì là địa chỉ cung cấp “nông sản xanh” nên nông sản của chị Sen bán được giá cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất đại trà, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau nhiều năm áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, chị Sen nhận thấy. Mô hình nông nghiệp này không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí, tăng năng suất và đa dạng hóa nguồn thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra một nền nông nghiệp bền vững, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế ổn định và lâu dài cho cộng đồng nông thôn.