![]() |
Tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập sẽ là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế đa ngành. |
Phát huy thế mạnh nông nghiệp và nguồn dược liệu quý
Trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang định hướng phát triển bền vững và gắn kết chuỗi giá trị sản xuất, việc sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum không chỉ mở rộng địa bàn quản lý mà còn tạo ra sự cộng hưởng về tiềm năng kinh tế. Đặc biệt, nông nghiệp và dược liệu là hai trụ cột kinh tế quan trọng sẽ được khai thác và phát triển toàn diện hơn.
Tại buổi làm việc định kỳ lần thứ 2 triển khai thực hiện chủ trương của trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum, ông Dương Văn Trang (Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum), cho rằng: “Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Quảng Ngãi mới có lợi thế rất lớn sau khi hợp nhất với Kon Tum. Vì vậy cần đặt sự phát triển với mục tiêu phấn đấu, quyết tâm đuổi kịp các tỉnh trong khu vực”. Đây chính là lời nhắc nhở về quyết tâm đưa tỉnh mới trở thành một điểm sáng kinh tế.
Quảng Ngãi với địa thế ven biển, sở hữu những cánh đồng lúa bạt ngàn, các vườn rau màu xanh tươi tại Bình Sơn, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh. Đặc biệt, tỏi Lý Sơn đã trở thành thương hiệu nông sản nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Khác với Quảng Ngãi, Kon Tum là vùng cao nguyên rộng lớn, lại mang đến những sản phẩm đặc trưng như cà phê, cao su và cây ăn quả nhiệt đới. Đây không chỉ là sự khác biệt về đặc điểm sinh thái mà còn là sự bổ sung hoàn hảo, tạo nên chuỗi giá trị nông sản đa dạng.
![]() |
Tỏi Lý Sơn - Tinh hoa miền đất biển. |
Sự cộng hưởng giữa vùng ven biển và cao nguyên sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp, từ trồng trọt, thu hoạch đến chế biến. Đặc biệt, việc kết hợp sản phẩm nông nghiệp của hai vùng sẽ mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Ngoài nông nghiệp, lĩnh vực dược liệu cũng được xem là thế mạnh lớn của tỉnh mới. Kon Tum đặc biệt nổi bật với Sâm Ngọc Linh, loại dược liệu quý hiếm và được xem là "quốc bảo" của Việt Nam. Đề cập đến việc quy hoạch và khai thác loại dược liệu quý này, ông Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Quy hoạch sâm Ngọc Linh là 20.000ha, hiện có 3.000ha, nhiệm kỳ tới nên trồng 3.000ha nữa. Hiện bán thô đã có giá hơn 100 triệu đồng/kg. Nếu chế biến sâu sẽ có giá 500-700 triệu đồng/kg. Vậy chế biến ở Kon Tum hay ở Dung Quất. Nghiên cứu đưa vào giải pháp nhiệm kỳ tới kêu gọi thu hút đầu tư chế biến”.
![]() |
Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý hiếm đặc trưng của vùng núi Kon Tum, mang lại giá trị kinh tế lớn tỉnh Quảng Ngãi mới. |
Sâm Ngọc Linh không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Không chỉ dừng lại ở Kon Tum, Quảng Ngãi với điều kiện khí hậu đa dạng cũng có tiềm năng phát triển các loại dược liệu khác như đinh lăng, gừng, nghệ. Sự kết hợp này hứa hẹn tạo nên chuỗi giá trị khép kín từ trồng trọt, chế biến đến thương mại hóa các sản phẩm dược liệu, qua đó gia tăng giá trị kinh tế cho tỉnh mới.
Tiềm năng phát triển du lịch tổng hợp: Biển, núi và văn hóa bản địa
Ngoài nông nghiệp và dược liệu, du lịch là lĩnh vực đầy triển vọng của tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum. Sự kết hợp giữa những bờ biển đẹp và núi rừng hùng vĩ tạo nên bức tranh du lịch đa dạng, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Quảng Ngãi sở hữu bờ biển dài với nhiều bãi biển nổi tiếng như Mỹ Khê, Sa Huỳnh cùng đảo Lý Sơn, nơi được mệnh danh là "Maldives của Việt Nam". Những cảnh quan này không chỉ mang giá trị du lịch mà còn lưu giữ nhiều nét văn hóa và lịch sử đặc sắc.
![]() |
Một trong những biểu tượng địa chất độc đáo và là điểm tham quan nổi bật trên đảo Lý Sơn là Cổng Tò Vò. |
Ngược lại, Kon Tum nổi bật với núi rừng hùng vĩ, đặc biệt là khu du lịch sinh thái Măng Đen, được ví như "Đà Lạt thứ hai" của Tây Nguyên. Cảm nhận về tiềm năng của Măng Đen, nà Bùi Thị Quỳnh Vân (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi), chia sẻ: “Măng Đen có nhà đầu tư chiến lược, có đầy đủ sản phẩm du lịch cho chúng ta. Tích hợp được đưa vào báo cáo chính trị để định hướng nhiệm kỳ tới. Tỉnh Quảng Ngãi mới có đầy đủ điều kiện giữ cơ cấu kinh tế tăng trưởng và đưa du lịch thành điểm sáng, đuổi kịp các tỉnh đã phát triển trước chúng ta”.
Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống của các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na cũng góp phần tạo nên bản sắc du lịch cộng đồng đặc trưng và thu hút khách tham quan.
![]() |
Thác Pa Sỹ – thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ tại khu du lịch sinh thái Măng Đen, điểm đến hấp dẫn góp phần phát triển du lịch bền vững. |
Điểm sáng của tỉnh mới còn nằm ở khả năng kết nối các khu du lịch biển và núi rừng thành chuỗi liên vùng đa dạng và hấp dẫn. Các tuyến du lịch như “Biển Lý Sơn – Núi Măng Đen” sẽ mang đến trải nghiệm phong phú từ biển đến cao nguyên xanh, hứa hẹn tạo sức hút mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực du lịch, ông Dương Văn Trang còn nhấn mạnh lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý: “Thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi mới là cửa khẩu quốc tế Bờ Y ở ngã 3 Đông Dương, lưu thông hàng hóa lớn. Vì thế, trong dự thảo văn kiện nhiệm kỳ tới cần tính toán đến lợi thế này”. Đây là cơ hội lớn để tỉnh mới phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ kinh tế khu vực.
Nhằm chia sẻ và yêu cầu các tổ chức liên quan tiếp thu ý kiến, xây dựng định hướng phát triển giai đoạn 2025-2030 một cách toàn diện bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ trở thành một tỉnh phát triển khá của cả nước. Bà khẳng định: “Với nền tảng công nghiệp sẵn có cùng lợi thế phát triển dịch vụ, du lịch nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, Quảng Ngãi mới có đủ điều kiện để tăng trưởng bền vững và đưa du lịch trở thành điểm sáng kinh tế, đuổi kịp các tỉnh phát triển trước”.
Việc hợp nhất Quảng Ngãi và Kon Tum không chỉ mở ra không gian phát triển rộng lớn mà còn tạo ra nền tảng để phát huy tối đa các lợi thế về địa lý, tài nguyên và văn hóa đặc trưng của cả vùng núi cao nguyên lẫn duyên hải miền Trung. Thách thức đặt ra là phải có chiến lược quản lý và phát triển đồng bộ, đảm bảo sự hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của tỉnh mới trên bản đồ kinh tế quốc gia. Chỉ khi đó, Quảng Ngãi mới thực sự hiện thực hóa.