![]() |
Tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh phát triển cà phê xứ lạnh |
Nhằm thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Văn bản số 1503 về việc tiếp tục phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh, đây là một trong những loại nông sản chiến lược, giàu tiềm năng của địa phương.
Theo đó, các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông là những vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp được xác định là trọng điểm trong kế hoạch phát triển cà phê xứ lạnh. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương này thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào chuỗi giá trị cà phê thông qua mô hình hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Việc người dân chủ động ươm cây giống, tiếp thu kỹ thuật và tham gia các lớp tập huấn sẽ góp phần xây dựng nền tảng bền vững cho ngành cà phê. Tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh việc bố trí quỹ đất, thu hút đầu tư và từng bước hình thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung kèm theo hệ thống nhà máy chế biến tại chỗ – những yếu tố then chốt để phát triển ngành cà phê theo chuỗi khép kín, gia tăng giá trị sản phẩm.
Để đạt được mục tiêu năm 2025, tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ người dân trong công tác ươm giống, cải tạo đất và canh tác. Các nội dung hỗ trợ bao gồm cung cấp hạt giống, vật tư làm vườn ươm và hướng dẫn kỹ thuật. Trước mắt, các huyện sẽ tiếp tục nhận hỗ trợ cây giống và vật tư nông nghiệp khác để đảm bảo diện tích trồng mới đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2025. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng dự toán kinh phí và kế hoạch hỗ trợ ươm giống cho các năm tiếp theo, tạo tiền đề cho sự phát triển dài hạn.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiệm vụ phối hợp với các huyện để hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc thực hiện kế hoạch phát triển cà phê. Một trong những nội dung trọng tâm là hỗ trợ người dân cải tạo đất, đặc biệt là những diện tích có hàm lượng dinh dưỡng thấp và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như điều chỉnh chế độ nước, làm cỏ, tạo hình cây, quản lý sinh vật gây hại,... nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Đồng thời, Sở sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê xứ lạnh. Các mô hình trình diễn sẽ được xây dựng để người dân tham quan, học tập trực tiếp, từ đó tạo ra những thay đổi rõ rệt trong tư duy sản xuất và ứng dụng thực tiễn. Một điểm đáng chú ý là việc gắn kết nhiệm vụ phát triển cà phê với hoạt động của Tổ 262 tại các xã Mường Hoong và Ngọc Linh, nơi có tiềm năng lớn và đóng vai trò chiến lược trong vùng sản xuất cà phê của huyện Đăk Glei.
Việc phát triển cà phê xứ lạnh tại Kon Tum không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái. Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng hành của ngành nông nghiệp và tinh thần hợp tác của người dân, Kon Tum đang vẽ nên một bức tranh mới cho nông nghiệp vùng cao nguyên hiện đại, hiệu quả và gắn liền với bản sắc địa phương. Thành công trong việc phát triển cà phê xứ lạnh sẽ góp phần khẳng định thương hiệu nông sản của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế./.