![]() |
Hình ảnh đàn bò được nuôi thả tự do ngoài tự nhiên |
Kon Tum sở hữu diện tích đất nông nghiệp lớn, thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là trâu và bò. Hiện nay, tổng đàn trâu và bò của tỉnh lần lượt đạt khoảng 27.000 và 110.000 con, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đông Trường Sơn như Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông. Tuy nhiên, việc chăn nuôi ở các vùng này vẫn mang tính tự nhiên, manh mún, người dân chủ yếu thả rông gia súc trong rừng mà không có chuồng trại hay sự kiểm soát. Tập quán này dẫn đến nhiều hệ lụy: cận huyết làm giảm chất lượng giống, bê nghé sinh ra còi cọc, tỷ lệ sống thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Trước thực trạng đó, tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch phát triển đàn trâu, bò tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mục tiêu thay đổi căn bản cách thức chăn nuôi, chuyển từ chăn thả tự do sang mô hình quản lý chặt chẽ, có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo an toàn sinh học, môi trường.
Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu không chỉ phát triển số lượng đàn gia súc mà còn hướng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Người dân sẽ được hướng dẫn tận dụng đồng cỏ tự nhiên, trồng cỏ dưới tán rừng, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng thức ăn gia súc. Trâu, bò từ chỗ chỉ là tài sản tích trữ truyền thống sẽ trở thành nguồn thu nhập chính hoặc phụ quan trọng cho mỗi hộ, giúp ổn định kinh tế gia đình và nâng cao đời sống.
Đồng thời, việc phát triển chăn nuôi cũng gắn với bảo tồn và phát triển các giống trâu, bò bản địa có giá trị gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học và giữ gìn nét văn hóa chăn nuôi của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Để đảm bảo hiệu quả thực thi, kế hoạch đề ra hàng loạt giải pháp thiết thực, chia thành nhiều nhóm:
Tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy: Chính quyền sẽ phối hợp với các đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của chăn nuôi có kiểm soát, hướng dẫn kỹ thuật xây chuồng trại, trồng cỏ, chế biến thức ăn và phòng chống dịch bệnh.
Quy hoạch và phân vùng chăn nuôi: Các vùng có điều kiện thuận lợi sẽ được quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng sẽ xác định các bãi chăn thả cụ thể, bố trí diện tích trồng cỏ hợp lý để cung cấp đủ thức ăn cho đàn vật nuôi quanh năm.
Cải tạo giống và kỹ thuật chăn nuôi: Đối với trâu, tỉnh khuyến khích phát triển theo hướng chuyên thịt, luân chuyển đực giống nhằm tránh cận huyết. Với bò, tùy từng khu vực, sẽ áp dụng thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống trực tiếp bằng bò đực lai phù hợp với tầm vóc của bò cái địa phương.
Chuồng trại và môi trường: Gia súc phải được nuôi nhốt trong chuồng phù hợp quy mô, đảm bảo vệ sinh thú y. Chất thải phải được xử lý đúng quy trình nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tận dụng làm phân bón. Tập quán thả rông hoàn toàn trong rừng sẽ được thay thế bằng chăn nuôi bán thâm canh có kiểm soát.
Chăm sóc sức khỏe vật nuôi: Công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh sẽ được đẩy mạnh. Các hộ chăn nuôi sẽ được tập huấn về kỹ thuật phòng bệnh, tăng cường vệ sinh chuồng trại và có hướng dẫn xử lý khi xảy ra dịch.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật: Tỉnh sẽ tổ chức các lớp khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin về giống, thị trường và giá cả. Các mô hình trình diễn chăn nuôi hiệu quả sẽ được triển khai, làm mẫu để nhân rộng tại địa phương.
Liên kết sản xuất, tiêu thụ: Kế hoạch thúc đẩy hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị, từ cung ứng đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng sẽ kết nối doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến, tiêu thụ thịt và giống trâu, bò.
Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch sẽ đến từ nhiều kênh: ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo, nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Các địa phương có trách nhiệm lồng ghép hiệu quả các nguồn lực này để hỗ trợ người dân triển khai chăn nuôi bền vững. Với tầm nhìn dài hạn, kế hoạch phát triển đàn trâu, bò tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao chất lượng sống, bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững nông thôn./.