Theo kế hoạch, huyện Gò Công Tây sẽ phóng thích hơn 500.000 con ong ký sinh ra các vườn dừa trên địa bàn để ngăn chặn sâu đầu đen tấn công - Ảnh minh họa. |
Ngày 30/12, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) vừa phóng thích 100.000 con ong ký sinh ra 5 ha vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen tại xã Thạnh Nhựt và xã Vĩnh Hựu. Theo kế hoạch, huyện Gò Công Tây sẽ phóng thích hơn 500.000 con ong ký sinh ra các vườn dừa trên địa bàn để ngăn chặn sâu đầu đen tấn công.
Đây là một trong những biện pháp sinh học hiệu quả được ngành nông nghiệp Tiền Giang và Bến Tre áp dụng trong thời gian qua để đối phó với sâu đầu đen. Tại Bến Tre, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết đã thả hơn 200 triệu con ong ký sinh trên 600 ha dừa bị sâu đầu đen gây hại. Kết quả cho thấy, một số diện tích dừa tại huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú đã bắt đầu phục hồi với tỷ lệ khoảng 70%.
Ong ký sinh có khả năng tiêu diệt sâu đầu đen hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, để biện pháp này đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần kết hợp đồng bộ với các biện pháp khác như vệ sinh vườn, thu dọn, cắt tỉa và tiêu hủy các tàu lá bị sâu gây hại; phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (nhưng phải ngừng phun thuốc trước khi thả ong ký sinh ít nhất 2 tuần để bảo vệ đàn ong). Đặc biệt, người dân cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và xử lý sâu hại.
Sâu đầu đen là loại dịch hại nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, gây thiệt hại nặng nề cho cây dừa. Tiền Giang hiện có trên 22.000 ha dừa, tập trung chủ yếu tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông. Trong khi đó, Bến Tre có hơn 80.000 ha dừa. Việc phòng trừ hiệu quả sâu đầu đen có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ diện tích dừa, đảm bảo năng suất và ổn định cuộc sống cho nông dân trồng dừa.