Mô hình vườn sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam. |
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh thành một ngành kinh tế chủ lực, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các khu vực đồng bào dân tộc miền núi. Sâm Ngọc Linh không chỉ gắn liền với việc quản lý, bảo vệ rừng mà còn là trung tâm của các giá trị văn hóa truyền thống.
Đến năm 2030, Quảng Nam sẽ phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 8.400 ha, tập trung ở huyện Nam Trà My và các khu vực di thực khác trên địa bàn. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu quan trọng cho các trung tâm công nghiệp dược liệu, phục vụ chế biến và tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu.
Tổng sản lượng sâm Ngọc Linh dự kiến đạt 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên mỗi năm, với diện tích khai thác khoảng 300-350ha/năm. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng các khu bảo tồn nguyên vị và vườn sưu tập nhằm bảo vệ nguồn gen quý hiếm của loại cây này.
Hai khu vực bảo tồn nguồn giống gốc là Trạm dược liệu Trà Linh và Trại sâm Tắk-Ngo sẽ được nâng cấp để đạt quy mô sản xuất từ 300.000 đến 500.000 cây giống mỗi năm, cung ứng đủ số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn. Tỉnh cũng đặt mục tiêu hình thành từ 30 đến 50 vườn sâm quy mô lớn, phục vụ sản xuất từ 5 đến 10 triệu cây giống sâm 1 năm tuổi hàng năm.
Người dân huyện Nam Trà My tham gia lễ hội sâm Ngọc Linh tại địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển diện tích trồng đạt 10.000 ha vào năm 2035. |
Để nâng cao giá trị sản phẩm, khoảng 15-30% diện tích sâm Ngọc Linh sẽ được sản xuất theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu của Tổ chức Y tế Thế giới). Các điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc cũng sẽ được đảm bảo để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tỉnh sẽ đăng ký nhãn hiệu tập thể tại các thị trường quốc tế và từng bước xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh mang tầm vóc toàn cầu.
Được biết, sau năm 2030 Quảng Nam tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh lên 10.000 ha vào năm 2035. Với vùng nguyên liệu ổn định, tỉnh sẽ đẩy mạnh chế biến, cung ứng sản phẩm cho các trung tâm công nghiệp dược liệu.
Từ đó tỷ lệ diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GACP-WHO sẽ tăng lên 35-40%. Sâm Ngọc Linh sẽ trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mang lại nguồn thu lớn, đồng thời nâng cao vị thế thương hiệu quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là biến Quảng Nam thành trung tâm sản xuất và cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh hàng đầu, góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương.
Sâm Ngọc Linh được bày bán tại lễ hội sâm và dược liệu Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. |
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trước tiên, tỉnh tập trung rà soát, triển khai các dự án và hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, đảm bảo sự nhất quán và hiệu quả trong thực thi. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng tăng cường năng lực quản lý nhà nước, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đảm bảo công tác bảo tồn và phát triển loại dược liệu quý này.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sâm, hướng tới quảng bá sâm Ngọc Linh trên thị trường quốc tế. Quảng Nam cũng chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời thúc đẩy sự hình thành và phát triển công nghiệp chế biến sâm và công nghiệp dược liệu.
Ngoài ra còn chủ động hợp tác với các đối tác quốc tế để mở rộng quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh, cùng với việc triển khai các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của loại dược liệu này. Những giải pháp này không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen quý giá mà còn đưa sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tầm vóc quốc tế.
Với kế hoạch cụ thể và các giải pháp toàn diện, tỉnh Quảng Nam kỳ vọng sâm Ngọc Linh sẽ không chỉ trở thành biểu tượng kinh tế mà còn là niềm tự hào của địa phương. Việc phát triển thành công loại dược liệu này sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn văn hóa truyền thống và cải thiện đời sống của người dân miền núi.