Giá ớt trong nước tháng 7/2024 giảm 14,5% so với tháng trước, đạt mức xuất khẩu bình quân 2.300 USD/tấn - Ảnh minh họa. |
Thị trường xuất khẩu ớt của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với sự tăng trưởng đáng kể ở một số thị trường, đặc biệt là Đài Loan. Tuy nhiên, những thay đổi trong quy định kiểm tra an toàn thực phẩm của EU cũng trở thành thách thức mới cần phải đối mặt.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 7/2024, cả nước xuất khẩu được 697 tấn ớt, kim ngạch đạt 1,6 triệu USD. So với tháng trước, lượng xuất khẩu giảm 14,5%. Tính chung 7 tháng qua, tổng lượng ớt xuất khẩu của cả nước đạt 8.023 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường châu Á vẫn là điểm đến chủ yếu, chiếm 96% tổng sản lượng xuất khẩu, đạt 7.727 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2023.
Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 640% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 5 tấn lên 37 tấn. Đây là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất, cho thấy tiềm năng mở rộng xuất khẩu ớt sang đây.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam, chiếm 85,2% tổng sản lượng với 6.834 tấn. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu sang thị trường này giảm nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các thị trường như Lào và Hoa Kỳ cũng có sự tăng trưởng đáng kể, lần lượt là 44,6% và 157,7%, đạt 810 tấn và 134 tấn.
Từ tháng 6/2024, EU đã tăng tần suất kiểm tra lên 50% đối với ớt nhập khẩu từ Việt Nam và yêu cầu kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.
Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu ớt của Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường EU. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, lương thực thực phẩm cần nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm canh tác ớt và tổng diện tích trồng ớt trên 11.000 ha và sản lượng khoảng 160.000 tấn/năm, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành xuất khẩu ớt.
Sự đa dạng hóa thị trường và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là mấu chốt để ngành xuất khẩu ớt của Việt Nam phát triển. Đầu tư vào công nghệ sản xuất và chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tìm kiếm và mở rộng thị trường mới là những yếu tố quan trọng.
Tôm hùm Phú Yên "kêu cứu", người dân kêu trời |
Giá lợn tăng cao: Doanh nghiệp "mừng thầm", người tiêu dùng lo lắng |
"Giấc mơ tôm" miền Tây tan vỡ vì giá rẻ, dịch bệnh |