Hà Nội hiện có 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản - Ảnh minh họa. |
Tại huyện Gia Lâm, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn đã thành công trong việc xây dựng mô hình trồng rau thủy canh, rau gia vị và rau hữu cơ trong nhà lưới hiện đại. Hơn 10 loại rau của hợp tác xã đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Tuy nhiên, do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, hợp tác xã đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các hộ nông dân tại Mộc Châu (Sơn La) để trồng rau. Giải pháp này giúp hợp tác xã cung cấp 1,8 tấn rau sạch mỗi ngày, đồng thời tạo việc làm ổn định cho các thành viên.
Tại huyện Chương Mỹ, các làng nghề mây tre đan truyền thống đang gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu mây, song thiếu hụt. Để khắc phục, các nghệ nhân đã nghiên cứu, sáng tạo và sử dụng nguyên liệu thay thế từ cây đu đủ, mướp, chuối. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, các làng nghề cần sự hỗ trợ để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Hà Nội hiện có 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong giai đoạn 2020-2024, thành phố đã hợp tác với 43 tỉnh thành trên cả nước để xây dựng hơn 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hà Nội đang hướng tới mục tiêu tăng số lượng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, đồng thời thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn và OCOP xanh.
Để đạt được mục tiêu này, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt. Hiện nay, 100% các chuỗi cung ứng nông sản tại Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 40% trong số đó áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO 22000 hoặc hữu cơ.
Hà Nội cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm đặc sản nổi tiếng. Tuy nhiên, các giống cây đặc sản này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Do đó, việc bảo vệ và phát triển các giống cây đặc sản là giải pháp quan trọng để tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Với tiềm năng sẵn có và sự hỗ trợ từ chính quyền, Hà Nội có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ nông sản OCOP. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối với thị trường tiêu thụ... là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy chương trình OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.