Chợ cá Tam Tiến, Quảng Nam nhộn nhịp mỗi bình minh - Ảnh: Cáp Vương. |
Năm 2023 diện tích thủy sản nuôi trồng của tỉnh Quảng Nam bị bệnh khoảng hơn 200 ha trên tổng diện tích nuôi thả gần 8.000 ha). Ngành thủy sản Quảng Nam hiện đang có sự dịch chuyển dần từ tư duy sản xuất sang kinh tế thủy sản, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao như: Một số mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần làm tăng giá trị sản xuất thuỷ sản; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Trước những khó khăn của ngành, ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của tỉnh là xúc tiến, hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp về xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, như: mô hình gắn với chuỗi sản xuất an toàn, vệ sinh thực phẩm; ứng dụng thử nghiệm mô hình nuôi biển; cùng với việc phát triển nhân rộng các mô hình sinh kế vùng hồ thủy lợi, thủy điện…
Tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố xác định, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025 là phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biến để đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá theo hướng trung tâm dịch vụ hậu cần của khu vực.
Qua đó, Đà Nẵng chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, phù hợp với quy hoạch thành phố. Ngoài ra còn xây dựng mô hình nuôi trồng theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học.
Thành phố định hướng nâng cao năng lực khai thác xa bờ, hạn chế tàu công suất dưới 20 CV, không còn thuyền thúng máy và tàu khai thác bất hợp pháp, không đúng quy định. Hình thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá tại Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang… Những định hướng này vẫn chưa hoàn thành, gây khó cho quá trình triển khai nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Nhọc nhằn nghề phơi cá tại biển ở miền Trung - Ảnh: Cáp Vương. |
Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản, mô hình chuỗi giá trị khai thác hải sản gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… còn chưa được đẩy mạnh bám sát theo kế hoạch thành phố đề ra. Điều này cũng làm chậm tiến trình triển khai nuôi trồng thủy sản hữu cơ của thành phố.
Cuối cùng, các địa phương đều lúng túng trong việc quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ, và việc tìm đầu ra tiêu thụ cũng khó do giá thành cao, chi phí nuôi trồng tốn kém... Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận và có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, lô-gô sản phẩm tương ứng với tiêu chuẩn đã được chứng nhận. Vì vậy vấn đề niềm tin, chứng minh cũng là điều khó khăn trong quá trình triển khai nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại các địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung.