Không chỉ những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, ngay cả trong sản xuất lúa, nông dân cũng đang ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả - Ảnh minh họa. |
Nông dân Trà Vinh đang từng bước chuyển mình, mạnh dạn áp dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất, góp phần giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ cao, nông dân còn chủ động tiếp cận với chuyển đổi số, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Điển hình cho sự chuyển đổi này là mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại Phường 7, TP Trà Vinh. Với diện tích 1.200m2 nhà màng, người trồng thu về gần 200 triệu đồng mỗi năm từ dưa lưới, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhà màng giúp bảo vệ dưa khỏi tác động của thời tiết, ngăn côn trùng xâm nhập, kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh giúp kiểm soát nước tưới và dinh dưỡng, tối ưu hóa sự phát triển của cây trồng.
Không chỉ những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, ngay cả trong sản xuất lúa, nông dân cũng đang ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả. Một nông dân ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, đã chuyển đổi 3 công đất lúa sang trồng chanh không hạt. Tham gia vào HTX, người nông dân này được hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định. Việc canh tác hiện nay đã "nhàn" hơn rất nhiều nhờ ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động, kết hợp với sự hướng dẫn kỹ thuật từ xa qua điện thoại.
Tại các mô hình liên kết sản xuất, HTX, hầu hết các khâu từ làm đất đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa. Một số HTX còn ứng dụng công nghệ để quản lý nước, sâu bệnh thông qua ứng dụng điện thoại. Nhiều đơn vị tiên phong thực hiện mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp với kỹ thuật canh tác tiên tiến. Kết quả cho thấy năng suất lúa tăng từ 0,8-1 tấn/ha, lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể, lợi nhuận tăng hơn 7 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Trà Vinh đang đẩy mạnh cơ giới hóa và chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững. Việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần giải phóng sức lao động, tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.