Trà Vinh đã chủ động triển khai Đề án nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 - Ảnh minh họa. |
BĐKH với những biểu hiện như mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây ra không ít khó khăn cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, dịch bệnh gia tăng... khiến năng suất và chất lượng nông sản giảm sút, chi phí canh tác tăng cao.
Trước tình hình đó, tỉnh Trà Vinh đã chủ động triển khai Đề án nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các HTX được hỗ trợ chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng thông minh với BĐKH, gắn với liên kết chuỗi giá trị. Nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành và sản xuất, như sử dụng phần mềm ghi chép nhật ký sản xuất, đăng ký mã số vùng trồng, lắp đặt bẫy đèn thông minh để giám sát côn trùng...
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp giảm thiểu rủi ro do BĐKH. "Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp giám sát dịch hại hiệu quả mà còn tiết kiệm thời gian, nhân lực, bảo vệ môi trường sinh thái", ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững ứng phó với BĐKH, đặc biệt là ở các vùng ven biển. Các mô hình như nuôi tôm sú kết hợp cá măng, nuôi cá thát lát kết hợp cá sặc rằn, nuôi tôm thẻ chân trắng luân canh lúa hữu cơ... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giúp người dân thích ứng với những thay đổi của môi trường.
Điển hình như HTX nông nghiệp Kim Hòa, huyện Cầu Ngang đã triển khai sản xuất lúa hữu cơ và lúa giảm phát thải, kết hợp với mô hình luân canh lúa - thủy sản, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên. Ông Lâm Hồng Cẩn, Giám đốc HTX, chia sẻ: "Việc quy hoạch, bố trí sản xuất phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái đã giúp nông dân tăng thu nhập, giảm rủi ro trước BĐKH".
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các HTX cũng đang ứng dụng nhiều mô hình tiên tiến như nuôi tôm ít thay nước, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi kết hợp các đối tượng lọc sinh học, ứng dụng công nghệ Semi biofloc, nuôi tôm trong ao trải bạt... nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao năng suất.
Có thể thấy, với sự chủ động thích ứng, ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết chuỗi giá trị, các HTX nông nghiệp ở Trà Vinh đang từng bước vượt qua những thách thức do BĐKH gây ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững.