![]() |
Toàn tỉnh Đắk Nông có có 19 mô hình sản xuất hữu cơ với tổng diện tích 1.293 ha, ước tính sản lượng 2.588 tấn |
Tỉnh Đắk Nông có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và nguồn lao động dồi dào. Toàn tỉnh có có 19 mô hình sản xuất hữu cơ với tổng diện tích 1.293 ha, ước tính sản lượng 2.588 tấn (trong đó: nhóm cây công nghiệp 1.202 ha sản lượng khoảng 1.683 tấn; nhóm cây ăn quả 73 ha, sản lượng khoảng 653 tấn; nhóm cây lương thực, thực phẩm 18 ha, sản lượng khoảng 252 tấn) và một số loại cây dược liệu khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, so với tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, phần diện tích canh tác theo hướng hữu cơ vẫn còn rất khiêm tốn. Việc tiếp cận và đạt được các chứng nhận sản phẩm hữu cơ vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều nông dân và hợp tác xã tại địa phương. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí chứng nhận cao, quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, cùng với việc thiếu kiến thức chuyên môn và nguồn lực kỹ thuật cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong và ngoài nước
Chi phí chứng nhận: Gánh nặng của người nông dân, Hợp tác xã
Một trong những rào cản lớn nhất mà nông dân và các hợp tác xã tại Đắk Nông đang đối mặt là chi phí để đạt được chứng nhận hữu cơ. Việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ đòi hỏi thời gian, sự đầu tư về kỹ thuật và vật tư phù hợp với tiêu chuẩn, do đó chi phí chăm sóc và thời gian sẽ ảnh hưởng đến thu nhập khi sản xuất hữu cơ.
Việc kiểm nghiệm mẫu, đánh giá cấp giấy chứng nhận và giám sát định kỳ duy trì tiêu chuẩn hữu cơ còn rất cao, trong khi đó sản xuất nông nghiệp cũng chịu tác động rủi ro bởi thiên tai, hạn hán và biến đổi khí hậu nên việc duy trì tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ của nông dân, hợp tác xã còn gặp khó khăn và có thể nảy sinh việc bỏ giữa chừng việc duy trì áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong khi đó, quy trình xin chứng nhận lại khá phức tạp và tốn kém, thường dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng …, một con số quá sức đối với nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ.
|
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) cho biết, mỗi năm HTX phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho công tác kiểm tra, giám sát định kỳ chứng nhận phục vụ xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Đây là khoản chi phí không nhỏ, bao gồm kiểm định chất lượng đất, nước, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, cũng như các loại giấy tờ, thủ tục cần thiết để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.
Mặt khác, chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ giá cao hơn sản xuất đơn thuần, quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ cần có thời gian chuyển đổi, năng suất cây trồng sẽ giảm trước khi tiến tới ổn định lâu dài và bền vững hơn.
![]() |
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) cho biết, mỗi năm HTX phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho công tác kiểm tra, giám sát định kỳ chứng nhận phục vụ xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ |
Theo ông Hà Công Xã – Giám đốc Hợp tác xã Bechamp (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ chính là vấn đề tài chính. Việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, từ khâu cải tạo đất, mua phân bón hữu cơ, đến xây dựng hệ thống tưới tiêu, nhà sơ chế, kho bảo quản… Trong khi đó, nguồn vốn của hợp tác xã còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước còn ít hoặc chưa tiếp cận được.
Ông Hà Công Xã, cho biết thêm riêng chi phí để đăng ký và duy trì chứng nhận hữu cơ hàng năm đã là một gánh nặng với các HTX nhỏ. Chưa kể, thời gian chuyển đổi kéo dài, sản lượng ban đầu sụt giảm, khiến thu nhập của xã viên cũng bị ảnh hưởng. “Nông dân rất muốn làm hữu cơ, vì lợi ích lâu dài cho sức khỏe và môi trường. Nhưng không có vốn thì rất khó đi đường dài”, ông chia sẻ. Hợp tác xã rất mong có thêm nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ nông nghiệp sạch, cũng như sự đồng hành từ doanh nghiệp bao tiêu, để giúp nông dân yên tâm canh tác bền vững.
Thiếu kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi người sản xuất có kiến thức chuyên sâu về thổ nhưỡng, sinh học đất, cây trồng, vi sinh vật, kiểm soát dịch hại sinh học và kỹ thuật chăm sóc không sử dụng hóa chất tổng hợp. Do đó, nông dân và hợp tác xã cần được đào tạo cơ bản về tiêu chuẩn hữu cơ để đánh giá thực trạng vùng sản xuất, xác định khả năng chuyển đổi và xây dựng lộ trình phù hợp.
Quá trình chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ không thể diễn ra trong thời gian ngắn. Theo quy định, thời gian chuyển đổi tối thiểu là 12 tháng đối với cây ngắn ngày và 18 tháng đối với cây dài ngày. Trong thời gian này, đất cần được cải tạo để loại bỏ tồn dư hóa chất, đồng thời tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn năng suất giảm, chi phí tăng khiến nhiều nông dân còn e ngại.
![]() |
Ông Vũ Văn Thủy, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) chia sẻ, một trong những khó khăn lớn đối với nông dân khi làm nông nghiệp hữu cơ là thiếu kiến thức và kỹ thuật chuyên sâu |
Ông Vũ Văn Thủy, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) cho biết, một trong những khó khăn lớn đối với nông dân khi làm nông nghiệp hữu cơ là thiếu kiến thức và kỹ thuật chuyên sâu. “Làm hữu cơ khác hoàn toàn với cách làm truyền thống. Phải hiểu cây trồng cần gì, đất như thế nào là đạt, rồi cách phòng sâu bệnh bằng biện pháp sinh học, chứ không thể thấy sâu là xịt thuốc như trước. Mình làm mà không nắm rõ quy trình thì dễ bị sai, ảnh hưởng đến cả lô hàng xuất khẩu,” ông Thủy chia sẻ. Theo ông, bên cạnh sự hỗ trợ về đầu ra, việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ bài bản cho nông dân là điều hết sức cần thiết để bảo đảm chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, người nông dân, các hợp tác xã còn thiếu hụt về kiến thức kỹ thuật, quy trình kiểm soát dịch bệnh không sử dụng hóa chất, cũng như việc ghi chép hồ sơ sản xuất theo yêu cầu chứng nhận là những yếu tố khiến họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.
Các hợp tác xã, vốn là đầu mối tổ chức sản xuất tập thể cũng gặp khó trong việc tìm kiếm đơn vị tư vấn và hỗ trợ xin chứng nhận. Một số nơi vẫn đang loay hoay trong khâu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng điều kiện bắt buộc để được cấp chứng nhận hữu cơ.
Đầu ra chưa ổn định sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Dù sản phẩm hữu cơ có giá trị cao hơn so với sản phẩm thông thường, nhưng thị trường đầu ra vẫn chưa thực sự ổn định. Nhiều hợp tác xã và nông dân lo ngại rằng sau khi đầu tư lớn vào sản xuất hữu cơ, sản phẩm không tìm được đầu ra ổn định, dẫn đến nguy cơ thua lỗ. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý, khiến họ e ngại khi bắt tay vào chuyển đổi.
Phần đông người tiêu dùng trong nước chưa hiểu rõ về nông nghiệp hữu cơ và sự khác biệt rõ ràng giữa sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường. Tâm lý, nhiều người vẫn ưu tiên sản phẩm nông nghiệp giá rẻ hơn, điều này khiến sản phẩm hữu cơ khó cạnh tranh với sản phẩm thông thường, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập bình quân của người dân còn hạn chế điều này dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chưa cao.
Mặt khác, kênh phân phối, cửa hàng, siêu thị chuyên bán sản phẩm hữu cơ còn ít, chiến lược maketing còn yếu và còn thiếu, nhiều sản phẩm hữu cơ được bán lẫn lộn với sản phẩm thông thường, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng
Sản phẩm chứng nhận hữu cơ trong xuất khẩu còn gặp khó khăn do chưa đáp ứng về sản lượng đối tác yêu cầu, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến, phân phối và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về dư lượng tồn dư trong sản phẩm bởi yếu tố khách quan (vùng đệm sản xuất hữu cơ với vùng sản xuất hóa học lân cận, ảnh hưởng bởi tác động của ô nhiễm nguồn nước, môi trường không khí phát sinh không mong muốn) để vượt qua rào cản kỹ thuật.
Cần chính sách hỗ trợ cụ thể
Để tháo gỡ những khó khăn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Đắk Nông cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho nông dân và hợp tác xã. Các giải pháp có thể bao gồm: hỗ trợ chi phí chứng nhận, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm và kết nối thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc thu hút doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi liên kết cũng rất quan trọng, nhằm tạo niềm tin và động lực cho người sản xuất.
![]() |
Ông Hà Công Xã – Giám đốc Hợp tác xã Bechamp (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ chính là vấn đề tài chính |
Nhận thức được điều này, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nổi bật là Quyết định số 785/QĐ-UBND (ngày 27/4/2022) phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022–2025, định hướng đến năm 2035; Kế hoạch số 585/KH-UBND (ngày 16/10/2022) thực hiện Đề án với nội dung điều tra vùng sản xuất, hỗ trợ công nghệ chế biến, xây dựng mô hình, tập huấn quy trình sản xuất hữu cơ...
Trước đó, tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND (ngày 24/6/2021) quy định nội dung và mức hỗ trợ thực hiện quy trình GAP và hữu cơ. Cụ thể: hỗ trợ 100% chi phí khảo sát đất, nước, không khí; tập huấn lao động; thuê đơn vị tư vấn và chứng nhận; tổng mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/cá nhân, 200 triệu đồng/tổ chức. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ ứng dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc BVTV sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), cây trồng tổng hợp (ICM), hoạt động khuyến nông, xúc tiến thương mại (theo Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND) và xây dựng liên kết chuỗi (theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND), với mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án liên kết.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn triển khai Kế hoạch số 181/KH-UBND (ngày 08/4/2021) thực hiện Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa giai đoạn 2021–2030, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp, các đơn vị sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc thù và OCOP địa phương.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đắk Nông là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển bền vững và gia tăng giá trị nông sản. Tuy nhiên, để tiềm năng này thật sự “cất cánh”, cần có sự đồng hành mạnh mẽ từ ba nhà: nông dân – doanh nghiệp – nhà nước. Khi người nông dân được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật; hợp tác xã được kết nối với thị trường; và doanh nghiệp có niềm tin vào vùng nguyên liệu ổn định, thì một hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững mới có thể hình thành. Với sự cam kết từ chính quyền và quyết tâm của người dân sản xuất, Đắk Nông hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trọng điểm của cả nước trong thời gian tới ./.