Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái (Ảnh minh họa). |
Nỗ lực phát triển nông nghiệp hữu cơ
Việt Nam có 11,3 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích sản xuất hữu cơ mới hơn 170 nghìn, điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta còn rất lớn khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này ở trong nước và thế giới ngày càng tăng lên.
Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả, vừa phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Để mở rộng diện tích và nâng cao giá trị nông sản hữu cơ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người sản xuất.
Nhằm thực hiện tốt Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15-8-2022 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương đang đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản. Việc này vừa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, vừa giúp bảo tồn, nâng cao giá trị các loại giống cây trồng, vật nuôi bản địa, tạo ra nông sản đặc sản phục vụ phân khúc thị trường cao cấp.
Kế hoạch xác định rõ 3 mục tiêu trụ cột trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn tới. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt 1,5-2% tổng diện tích đất trồng trọt; định hướng đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 2,5-3% tổng diện tích đất trồng trọt của thành phố.
Đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi; định hướng đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi. Đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản hữu cơ có chứng nhận đạt 10ha, diện tích nuôi thủy sản chuyển đổi theo hướng hữu cơ đạt 150ha; định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi thủy sản hữu cơ có chứng nhận đạt 80ha, diện tích nuôi thủy sản chuyển đổi theo hướng hữu cơ đạt 500ha.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, cùng với ban hành cơ chế, chính sách, tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, Thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Trong đó, tích cực xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, ứng dụng Internet trong Cách mạng công nghệ nông nghiệp 4.0 để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả, vừa phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. |
Hỗ trợ để nhân rộng
Hiệu quả kinh tế mang lại đã rõ, nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện mới dừng lại ở các mô hình với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Cùng với đó, giá thành sản phẩm hữu cơ cao hơn so với sản phẩm khác, nên thị trường của loại nông sản này thường giới hạn ở nhóm khách hàng có thu nhập cao.
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết, toàn thành phố hiện có 2.000ha trồng trọt hữu cơ và 10,1ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại. Thời gian qua, trung tâm tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3-5 năm sẽ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao.
“Các hộ dân được cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực canh tác cho nông dân, tăng hiệu quả đơn vị diện tích trên đồng ruộng”, bà Vũ Thị Hương cho hay.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Sở sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng.
“Ngành Nông nghiệp hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường; gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm - để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.