![]() |
Ông Nguyễn Thanh Tuấn (đứng thứ 2, từ trái qua) đang giới thiệu về cánh đồng “4 không” của mình. |
Thay da đổi thịt vùng đất “4K”
Năm 1999, nhà nước giao cho ông Nguyễn Thanh Sơn (cha anh Nguyễn Thanh Tuấn) khoảng 700ha đất với nhiệm vụ canh tác và cải tạo. Nhưng vùng đất này lại bị nhiễm phèn nặng, cỏ dại mọc kín dẫn đến việc trồng loại cây nào cũng không thể phát triển. Có thể nói, đây chính là vùng đất “4 không” (4K): nghèo nhất, khổ nhất, thiếu vốn nhất và thiếu kinh nghiệm nhất. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng vùng này không thể nào trồng cây gì khác ngoài cây tràm hoặc mía, vì đây là hai loại cây có khả năng chịu phèn tốt nhất nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên vì đất nhiễm phèn nặng, thiếu dinh dưỡng nên năng xuất mía thấp, lượng chữ đường thấp, giá bán không cao khiến cuộc sống người dân đã khó lại thêm khó hơn. Trong thời gian này, nhiều người dân đã bỏ cuộc và di cư đi nơi khác sinh sống. Mặc dù vậy, gia đình anh Tuấn vẫn quyết “bám chân” và lên kế hoạch thau chua rửa mặn quyết tâm cải tạo vùng đất “4K”.
Sau khi trả lại 200ha đất cho nhà nước, gia đình anh Tuấn còn khoảng 500ha đất, chia thành 16 ô, đào hệ thống kênh mương chằng chịt để thoát nước, rửa mặn và đưa phù sa từ dòng nước ngọt vào đồng. Đồng thời, dùng vôi bột và phân lân để cải tạo chất lượng đất, từng bước đưa đất trở về trạng thái có thể trồng trọt. Thời điểm này, gia đình anh Tuấn gặp nhiều thách thức khi thiếu thốn về tài chính, kỹ thuật nên phải thuê mướn 120 đến 130 người làm để đảm bảo mùa vụ khi chưa có cơ giới hóa.
Sau đó, anh Tuấn đã thử nghiệm trồng nhiều giống lúa như: OM5451, OM18, Đài Thơm 8...năng suất chỉ đạt khoảng 4 - 5 tấn/ha. Đây là bước tiến nhỏ nhưng chưa đủ để giúp anh vượt qua khó khăn. Sau đó, anh đã chuyển sang trồng lúa nếp với hi vọng giá cao hơn, tuy nhiên lại vấp phải thất bại khi giá lúa chỉ còn 3.000 đồng/kg, gây thiệt hại lớn cho gia đình. Sau nhiều mùa vụ, anh Tuấn nhận ra giống lúa truyền thống tuy năng suất ổn định nhưng giá trị kinh tế chưa tương xứng với chi phí bỏ ra và có nhiều nguy cơ mất trắng do giá cả thị trường không ổn định. Vì thế, anh Tuấn bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về thị trường nông sản và nhận thấy xu hướng tiêu dùng đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, đặc biệt là lúa gạo hữu cơ. Anh Tuấn nhận ra giống lúa ST24, ST25 – giống lúa hữu cơ nổi tiếng của Việt Nam đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng là thời cơ cho mình chuyển đổi mô hình sản xuất hữu cơ. Đồng thời, 2 giống lúa trên còn đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng mà còn có giá bán cao, ổn định và có tiềm năng xuất khẩu lớn.
Khi bắt tay vào làm, anh đã gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn, quy trình canh tác nghiêm ngặt, không được sử dụng bất kỳ loại thuốc, phân hóa chất nào. Ngoài ra, việc quản lý sâu bệnh và cỏ dại đòi hỏi anh Tuấn phải nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tự nhiên, điều này làm tăng khối lượng công việc và chi phí đầu tư ban đầu. Một thách thức lớn khác là đầu ra cho sản phẩm. Thời điểm bắt đầu trồng lúa hữu cơ, thị trường tiêu thụ ở Việt Nam chưa phát triển mạnh, dẫn đến anh phải đối mặt với tình trạng lúa sản xuất ra nhưng khó tiêu thụ, hoặc phải bán với giá thấp. Qua đó, anh Tuấn nhận thấy, để mô hình lúa hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế thì phải tối ưu hóa quá trình sản xuất.
![]() |
Cánh đồng “không dấu chân” của ông Nguyễn Thanh Tuấn. |
Cánh đồng không dấu chân
Qua một vài mùa vụ, anh Tuấn quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư mạnh vào cơ giới hóa. Thời gian đó, anh chi hàng tỷ đồng để mua sắm các loại máy móc hiện đại như: Máy bay không người lái (drone) để thực hiện các công việc như xịt thuốc, rải phân và gieo sạ. Nhờ drone, việc bón phân, phun thuốc trở nên nhanh chóng, đồng đều, giảm thiểu sự tiếp xúc của con người với hóa chất và tiết kiệm thời gian lao động.
Để cơ giới hóa toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa anh Tuấn mua 4 máy cấy, 4 máy cày và 2 máy gặt liên hợp. Những chiếc máy này không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí nhân công mà còn giúp anh kiểm soát chính xác lịch gieo sạ và thu hoạch theo kế hoạch. Nhờ vào áp dụng công nghệ hiện đại và qua sự chăm chỉ học hỏi, ghi chép chi tiết từng công đoạn sản xuất, giúp anh nắm bắt chính xác tình trạng thửa dất, anh Tuấn có thể quản lý cánh đồng của mình theo cách khoa học, đảm bảo chất lượng lúa được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu gieo trồng đến thu hoạch.
Không chỉ thế, anh Tuấn áp dụng phương pháp canh tác cuốn chiếu để tối ưu hóa quản lý, chủ động hơn trong việc thu hoạch và tiêu thụ lúa, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt gây sức ép lên giá cả thị trường. Cụ thể, anh chia diện tích đất của mình thành từng khoảnh nhỏ khoảng 20ha, mỗi khoảnh sẽ được gieo sạ cách nhau khoảng 15 ngày. Cách làm này giúp anh dễ dàng kiểm soát quá trình chăm sóc lúa, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh hoặc thời tiết không thuận lợi.
Sau nhiều năm kiên trì áp dụng các biện pháp khoa học, mô hình sản xuất lúa hữu cơ của anh Tuấn đã bắt đầu gặt hái thành công, giá lúa thời điểm này đạt 7.000 - 8.000 đồng/kg và nhận được sự ưa chuộng của thị trường trong và ngoài nước; chất lượng lúa ngày nâng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu gạo của thị trường khó tính. Hiện nay, mô hình lúa hữu cơ mang lại cho anh Nguyễn Thanh Tuấn doanh thu 29 tỉ đồng/năm, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 14 tỉ đồng. Nhờ mô hình này, anh Tuấn đã tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 30 lao đồng mùa vụ với mức thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Đáng nói, chất lượng đất ngày càng màu mỡ, ít sâu bệnh nhờ quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất.
Không chỉ trồng lúa, anh Nguyễn Thanh Tuấn còn trồng thêm xoài keo, nhàu, dừa...và kinh doanh vật tư, dịch vụ máy cày, máy cắt. Số tiền từ mảnh vườn này, anh dành để chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phươn và góp tiền xây hai cây cầu để bà con tiện đi lại.
Ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kiên Giang chi sẻ, những cống hiến trong sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn, anh Tuấn vinh dự được nhiều giấy khen, bằng khen của UBND các cấp vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và trong phong trào “thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới”. Với những thành tích nổi bật trong sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Tuấn xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024”.