![]() |
Dệt thổ cẩm tại thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có 01 Làng nghề dệt thổ cẩm được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 07/2/2012 về việc công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu.
Thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu hiện có 184 hộ, với 1.019 nhân khẩu đồng bào dân tộc Châu Mạ sinh sống. Nghề dệt thổ cẩm tại thôn Đạ Nghịch có khoảng 120 hộ có tay nghề dệt thổ cẩm nhưng chỉ có 60 hộ gia đình tham gia nghề dệt với khoảng 80 lao động.
Theo UBND thành phố Bảo Lộc, nghề dệt thổ cẩm tại buôn Đạ Nghịch chủ yếu là hoạt động dệt bán thời gian, sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm để tự cung cấp cho gia đình sử dụng, một số ít cung ứng cho bà con các dân có cùng văn hóa như K'Ho, S'tiêng… đặc trưng của sản phẩm thổ cẩm dân tộc Châu Mạ là sự phong phú về màu sắc và hoa văn trên thổ cẩm mà một số dân tộc khác ở địa phương không có khả năng sản xuất được. Do đó, thu nhập từ nghề truyền thống không đáng kể, khoảng 2-3 triệu đồng/lao động/tháng.
Lao động tham gia sản xuất ngành nghề dệt thổ cẩm của thôn chủ yếu là phụ nữ những người đã có gia đình, những người đã được truyền nghề từ các thế hệ đi trước, họ có kỹ năng và rất nhiều kinh nghiệm trong các thao tác lên khung cũng như phối màu, tuy họ chưa được đánh giá về trình độ, cấp chứng nhận nghệ nhân nhưng thực sự họ là những người lao động lành nghề.
Hiện nay, công tác đào tạo nghề dệt thổ cẩm còn thực hiện chủ yếu thông qua hình thức truyền nghề, chưa có các lớp đào tạo nghề truyền; làng nghề có nguy cơ mai một khi sản phẩm của làng nghề bị cạnh tranh bởi các mặt hàng dệt may hiện đại, có ưu thế hơn về giá cả và thị hiếu của khách hàng.
Trong giai đoạn 2015 - 2024, UBND thành phố Bảo Lộc giao Phòng Kinh tế (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) rà soát và tiến hành hỗ trợ làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đạ Nghịch xã Lộc Châu nguyên vật liệu để dệt thổ cẩm, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 100 triệu đồng.
Trong những năm qua để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề, thành phố đã hỗ trợ kinh phí để làng nghề tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc, Lễ hội hoa Đà Lạt, Lễ hội văn hóa các dân tộc..
![]() |
Chính quyền thành phố Bảo Lộc hỗ trợ làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đạ Nghịch xã Lộc Châu |
Tuy nhiên, cũng theo UBND thành phố Bảo Lộc, do quy mô làng nghề dệt thổ cẩm buôn Đạ Nghịch nhỏ, mẫu mã và thị trường của sản phẩm còn hạn chế nên làng nghề ngày càng bị thu hẹp về số lao động tham gia và khối lượng sản phẩm tạo ra ngày càng giảm; sản phẩm dệt của làng nghề chưa được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương, do nhiều tiêu chí còn chưa đáp ứng.
Trên địa bàn thành phố, kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn làng nghề còn ít chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo tồn, chưa có chương trình đặc thù bảo tồn nghề truyền thống, cũng như chưa có lực lượng cán bộ am hiểu sâu sắc về nghề truyền thống để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Thời gian tới, để giải quyết tình trạng trên, UBND thành phố Bảo Lộc sẽ chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề. Trên cơ sở thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, khuyến khích kêu gọi các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc trưng tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn với nguyên tắc cơ bản là gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát huy thế mạnh từng vùng và bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn.
Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, dệt thổ cẩm, đồng thời chú trọng đến xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Đẩy mạnh các chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, đối với làng nghề dệt thổ cẩm, để tránh sự mai một và có khả năng bị thất truyền, UBND thành phố Bảo Lộc xác định ưu tiên bảo tồn là chính, xem đó là tài sản văn hóa./.