![]() |
(Ảnh minh họa) |
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tỉnh Bắc Ninh thực hiện, chiều 10/5, diễn ra phiên thảo luận về các lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản nhằm thảo luận về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành.
Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, khoa học công nghệ trong ngành chăn nuôi, thú y đã được quan tâm từ rất sớm, đến nay cũng đã đạt được một số thành công: "Khoa học công nghệ tiên phong, nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp đua tài và người dân hưởng lợi".
Với Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ông Thắng cho rằng, chưa bao giờ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo lại được quan tâm như vậy: "Ngành chăn nuôi, thú y cũng đang hòa nhịp trong dòng chảy đó".
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, ngành chăn nuôi, thú y hiện nay phát triển xoay quanh 5 trụ cột chính gồm: Giống; Thức ăn; Công nghệ môi trường; Phòng chốnh dịch bệnh; Giết mổ chế biến, mỗi yếu tố đều đang được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, ông Dương Tất Thắng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi năng suất cao, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, kháng bệnh tốt bằng công nghệ sinh học.
Cùng với đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi theo Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 Thủ tướng.
Về công nghệ chuồng trại và quản lý môi trường chăn nuôi, ông Thắng nhấn mạnh tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.
Trong đó, ưu tiên phát triển nền tảng số hóa quản lý trại chăn nuôi, ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc cơ sở và sản phẩm chăn nuôi, ứng dụng các thành tựu về công nghệ chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, kiểu chuồng nuôi nhằm tối ưu hóa hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ vi sinh vật, enzym, vật liệu nano trong xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Ngoài ra là các định hướng về phát triển các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi trên nhà nhiều tầng, chăn nuôi đặc sản.
Chẩn đoán và kiểm soát dịch bệnh được định hướng ưu tiên như phát triển bộ kit chẩn đoán nhanh, công nghệ xét nghiệm phân tử (PCR nhanh, CRISPR-diagnostics), ứng dụng AI trong cảnh báo, dự báo dịch bệnh động vật.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu vacxin thế hệ mới, vacxin đa giá phòng nhiều bệnh, phát triển thuốc thú y sinh học, an toàn, không kháng sinh, thân thiện môi trường.
Cuối cùng là chuyển đổi số trong thú y chú trọng đến hệ thống quản lý dịch bệnh động vật quốc gia tích hợp dữ liệu đa nguồn (big data), blockchain truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành vào ngày 22/12/2024 trong bối cảnh thế giới tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ sang kỷ nguyên số, trong đó khoa học-công nghệ đóng vai trò nền tảng và động lực, đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột dẫn động và tiến trình chuyển đổi số đang tạo nên những bước chuyển mang tính đột phá và định hình sự phát triển của một xã hội tương lai. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 cũng đã khẳng định rõ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030: - Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. - Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. - Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%. - Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện. Thu hút thêm ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. - Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu. Tầm nhìn đến năm 2045: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. |