![]() |
Nông dân thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An thu hoạch lá thuốc lá. Ảnh : Quốc Sơn. |
Nhận thức tầm quan trọng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ là xu thế tất yếu, hướng đi bền vững nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị nông sản, đảm bảo an toàn sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường, HND huyện Hoà An chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh và ngành nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, sử dụng thuốc trừ sâu an toàn, thân thiện môi trường cho nông dân. Năm 2024, HND huyện đã tổ chức 31 lớp đào tạo nghề cho gần 880 hội viên nông dân.
Các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang đầu tư mô hình canh tác sạch, an toàn hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ. Tích cực hướng dẫn các hội viên, nông dân khai thác tiềm năng, tận dụng lợi thế địa phương phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị nông sản, như các mô hình: Chăn nuôi trâu bò vỗ béo; nuôi trâu, lợn sinh sản; trồng cây thuốc lá, cây ăn quả, nuôi ong mật…
Theo bà Sầm Thị Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch HND huyện Hoà An, năm 2024, HND huyện đã hỗ trợ thành lập 7 tổ hợp tác, với 785 thành viên và 2 hợp tác xã, với 54 thành viên và chỉ đạo HND xã Trương Lương xây dựng mô hình chăn nuôi vịt sạch với 10 hộ hội viên xóm Sam Luồng tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 30 con vịt giống, 5 kg thức ăn chăn nuôi tại buổi ra mắt, tổng trị giá 6 triệu 750 nghìn đồng. Các tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình sản xuất nông nghiệp được thành lập hoạt động sản xuất ổn định, có sản phẩm bán ra thị trường, tạo dựng được liên kết theo chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, một số vùng trồng các cây: Thuốc lá, dong riềng, dứa, rau màu…, đã dần hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định, giúp hội viên, nông dân yên tâm sản xuất.
Tiếp thêm nguồn lực cho hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư vào phát triển các dự án sản xuất, các cấp HND đã nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân qua Quỹ hỗ trợ nông dân đạt hiệu quả, cùng các nguồn tín dụng khác. Trong năm 2024, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện đã thu hồi 29 dự án, số tiền 1 tỷ 480 triệu đồng; giải ngân 10 dự án cho 92 hộ vay phát triển chăn nuôi, số tiền 2 tỷ đồng. Phối hợp với Công ty phần Vật tư nông nghiệp Cao Bằng, các đơn vị đầu tư vùng trồng cây thuốc lá trong huyện cung ứng hơn 701 tấn phân bón các loại cho hội viên, nông dân theo phương thức trả chậm. Năm 2024, phối hợp với các ngành liên quan của huyện hỗ trợ 300 hộ nông dân nghèo, cận nghèo tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất với các hợp tác xã tại 2 xã: Nguyễn Huệ, Đại Tiến trồng 86 ha cây dong riềng. Tham gia chuỗi liên kết, nông dân được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác an toàn, bao tiêu sản phẩm. Hội viên Hoàng Văn Viên, xóm Cốc Phát, xã Nguyễn Huệ cho biết, trước kia gia đình tôi chỉ trồng ngô trên đất dốc năng suất thấp, được các cấp HND hỗ trợ, gia đình tham gia chuỗi liên kết giá trị, chuyển sang trồng cây dong riềng, mỗi năm gia đình thu gần 50 tấn củ dong và sản xuất miến thu lợi gần 200 triệu đồng.
![]() |
Vườn đồi dứa hơn 2 ha của bà Lương Thị Hường, xóm Nà Roác 1, hội viên Hội Nông dân xã Bạch Đằng, huyện Hoà An cho thu lợi hàng năm gần 200 triệu đồng. Ảnh: Quốc Sơn. |
Các cấp HND huyện triển khai hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp. Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã lan toả sâu rộng, được đông đảo hội viên, nông dân tích cực tham gia hưởng ứng. Năm 2024, có 5.080 hộ hội viên, nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, kết quả bình xét có 2.634 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn địa phương. Tiêu biểu như hộ hội viên Trần Thị Chung, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung, với mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập bình quân hơn 27 triệu 500 nghìn đồng/khẩu/tháng, hàng năm tạo việc làm cho 10 lao động, giúp cho 30 lượt hộ khó khăn trong xã có điều kiện phát triển sản xuất; hộ Trương Đức Thương, xóm Bằng Giang, xã Đức Long đầu tư mô hình chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ nông nghiệp, mô hình cho thu nhập 25 triệu 800 nghìn đồng/khẩu/tháng, hàng năm tạo việc làm cho 12 lao động, giúp đỡ 20 lượt hộ khó khăn để phát triển sản xuất…
Hội viên Lã Văn Dũng, xã Bạch Đằng cho biết, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có tính nhân văn, sức lan toả sâu rộng, tạo động lực cho các hội viên, nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao, các hội viên, nông dân đã hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển kinh tế gia đình. “Gia đình tôi đầu tư mô hình nông trại hữu cơ, trồng hơn 3 ha cây dứa, ổi, thanh long, hồng xiêm, cây lâm nghiệp và nuôi ong, chăn thả cá. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác, chăn nuôi tiên tiến và quy trình sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho thu nhập 250 triệu đồng, hàng năm tạo việc làm cho 15 lao động, hỗ trợ 20 lượt hộ khó khăn để họ phát triển sản xuất. Với Dự án Ứng dụng vi sinh trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng và thức ăn trong chăn nuôi, tôi đã đạt giải khuyến khích Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”. Anh Lã Văn Dũng cho biết thêm.
Cùng với hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản qua các hoạt động, giúp hội viên, nông dân đăng ký, xây dựng sản phẩm OCOP, chuyển đổi số, ứng dụng bán nông sản trên sàn thương mại điện tử, thực hiện các chương trình, dự án ký kết cung – cầu sản phẩm. HND các cấp huyện Hoà An đóng vai trò nòng cốt trong vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong năm 2024, hội viên, nông dân huyện đã hiến gần 11.550 m2 đất, đóng góp 767 triệu đồng, gần 5.360 ngày công lao động để sửa chữa, làm mới hơn 24 km đường nông thôn, hơn 53 km kênh mương thuỷ lợi và 4 cây cầu…, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển.
“Những năm qua, HND huyện Hoà An đã tích cực chủ động phối hợp với các ngành liên quan của huyện thực hiện hiệu quả mục tiêu Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 – 2025 của Đảng bộ huyện đề ra. HND Hoà An đang khẳng định vị thế quan trọng, trở thành điểm tựa của nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của huyện phát triển bền vững”. Bà Sầm Thị Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch HND huyện Hoà An khẳng định.