Thanh Hóa chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây trồng truyền thống bằng các cây trồng có năng suất - Ảnh minh họa. |
Vụ đông năm nay, Thanh Hóa phấn đấu gieo trồng 47.000 ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, thay vì chạy theo mục tiêu diện tích, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích sản xuất các loại cây trồng truyền thống, thay thế bằng các cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Điển hình như tại xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), vụ đông năm nay, người dân đưa vào gieo trồng khoảng 26 ha khoai tây. Đây là giống cây trồng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế lại cao. Để nâng cao năng suất và chất lượng, xã đã đưa các loại giống khoai tây được chọn lọc theo phương pháp nội nhập từ Đức như Marabel, Julinka... vào gieo trồng. Bên cạnh đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Tiến đã phối hợp với doanh nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, hỗ trợ người dân thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, cơ giới hóa trong các công đoạn làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái... Nhờ đó, năng suất khoai tây đạt trung bình 26 đến 30 tấn/ha; doanh thu bình quân đạt từ 180 triệu đồng/ha trở lên. Toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp và HTX cam kết thu mua, bao tiêu.
Không chỉ Hoằng Tiến, khoai tây còn được xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông ở nhiều địa phương khác của huyện Hoằng Hóa như Hoằng Ngọc, Hoằng Lưu, Hoằng Thắng... Vụ đông 2024-2025, huyện dự kiến gieo trồng khoảng 240 ha khoai tây, tập trung từ 25/10 đến 20/11 đối với khoai tây phục vụ chế biến trên đất màu.
Bên cạnh khoai tây, các loại rau màu cũng được đẩy mạnh sản xuất trong vụ đông năm nay. Thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) là một trong những điểm sáng trong sản xuất rau an toàn. Năm nay, thị trấn tiếp tục đưa vào gieo trồng các loại rau có giá trị kinh tế như cà chua, bắp cải, xu hào, xà lách, rau gia vị... và hoa. Hầu hết người dân tại vùng sản xuất rau an toàn tập trung đều đã có nhiều năm kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với 23,9 ha rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thị trấn Thiệu Hóa dự kiến thu về khoảng 700 triệu đồng/ha/năm.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, ngành nông nghiệp Thanh Hóa khuyến khích các địa phương đa dạng hóa các nhóm cây, nhất là chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm hiện tượng vừa thừa vừa thiếu. Nhóm cây trồng chủ lực gồm: ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô và rau được xem như cây chủ lực trong cả vụ đông, phục vụ mục tiêu lấy hạt và sản xuất thức ăn xanh cho bò sữa, bò thịt, cây rau phục vụ cho tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống.
Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích mở rộng diện tích các đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, các loại rau cao cấp, sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới như cà chua, dưa hấu bằng giống ghép... Ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa như khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, hành tỏi, các loại hoa... gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Dứa MD2 mang cơ hội đổi đời cho nông dân Sóc Trăng |
Xoài cát Hòa Lộc biến đất cằn thành "mỏ vàng" |
Năng suất lúa mùa bị đe dọa do sâu bệnh |
Gia Lai: Hiệu quả kinh tế cao nhờ chuyển đổi cây trồng |