Người dân Somalia trong đợt hạn hán lịch sử. Ảnh: Jerome Delay/AP. |
Theo Chính phủ Zimbabwe, sản lượng ngô ở quốc gia miền Nam châu Phi này có nguy cơ giảm gần 3/4 trong năm nay do đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ qua. Sản lượng ngũ cốc chủ lực trong niên vụ 2023 - 2024 sẽ kết thúc vào ngày 31/5, ước tính đạt gần 635.000 tấn, giảm 72% so với năm 2023.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson M’nangagwa cho biết nước này có hàng triệu người đang phải đối mặt với nạn đói. Ước tính khoảng 2,7 triệu người sẽ không có đủ lương thực để ăn trong năm nay. Ông M’nangagwa cũng cho biết Chính phủ sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để nhập khẩu ngũ cốc.
Zimbabwe đã lên kế hoạch nhập khẩu ít nhất 1,4 triệu tấn ngô vào tháng 7, đồng thời tuyên bố tạm dừng đánh thuế đối với tất cả ngô nhập khẩu để giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực do hạn hán. Trung bình, Zimbabwe tiêu thụ 2,2 triệu tấn ngô hàng năm, trong đó 1,8 triệu tấn dùng làm lương thực và 400.000 tấn dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) mô tả nạn đói ở Zimbabwe là "thảm khốc" và kêu gọi thêm viện trợ.
Bà Mandisireyi M’birinyu, một nông dân Zimbabwe cho bết, đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. “Tôi chưa bao giờ thấy đợt hạn hán nào như vậy. Lần cuối cùng chúng tôi có mưa là vào tháng 1" - bà M’birinyu nói.
Vallampati, một thanh niên nông dân đã bỏ làng lên thành phố Harare nói rằng đất đai ngày càng khô cằn, không có mưa và cũng không có nước để tưới cho ngô. Nhiều thanh niên như anh đã bỏ làng lên thành phố kiếm việc và họ cũng ít nghĩ tới việc quay trở lại quê nhà vì công việc đồng áng là quá rủi ro.
Hạn hán kéo dài, vùng Sừng châu Phi (gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan) là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Tới nay, vùng Sừng châu Phi đã phải trải qua 5 mùa khô hạn liên tiếp.
Trong một báo cáo tình hình và ứng phó với hạn hán ở vùng Sừng châu Phi, WFP cho biết các quốc gia trong khu vực, chủ yếu là Ethiopia, Kenya và Somalia đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, kéo theo tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có ở các vùng miền Nam và Đông Nam Ethiopia, vùng đất khô cằn và bán khô hạn của Kenya và phần lớn lãnh thổ Somalia.
Vẫn theo WFP, trong vòng 3 tháng của năm 2023, khoảng 5,4 triệu người ở Kenya và khoảng 6,5 triệu người Somalia rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Đáng tiếc là điều đó đã không chấm dứt mà còn tiếp tục trong năm 2024. Con số đó có thể còn cao hơn tại các khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán của Ethiopia.
Từ tháng 3 đến giữa tháng 5/2024, vùng Sừng châu Phi hầu như không có mưa. WFP nhấn mạnh nhu cầu nhân đạo tại khu vực này sẽ có thể còn cao hơn so với năm 2023, cộng đồng quốc tế cần tăng hỗ trợ để bảo vệ mạng sống của người dân.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Tổ chức Thời tiết thế giới (WWA), biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến hạn hán ở vùng Sừng châu Phi có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 10 lần. Nghiên cứu của WWA tập trung vào 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán là miền Nam Ethiopia, Somalia và miền Đông Kenya.
Joyce Kimutai - nhà khí hậu học Kenya, người đã đóng góp cho báo cáo của WWA nói: "Đã đến lúc chúng ta hành động và tham gia theo cách khác. Trọng tâm của quá trình này là chuyển đổi và tăng cường khả năng phục hồi vì không thể trông chờ vào “thiện chí” của thiên nhiên”.
Kelvin Kiptun, cư dân thủ đô Nairobi của Kenya cho biết, đất nước vốn có thiên nhiên rất trong lành với nhiều loại cây cỏ, muông thú. Nhưng rồi biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, hạn hán thường xuyên nên mọi thứ thay đổi rất nhanh. “Chúng tôi đang phải đương đầu với sự khốc liệt của thiên nhiên. Người dân mong ngóng một trận mưa giải nhiệt nhưng bầu trời vẫn trong vắt không một gợn mây” - ông Kelvin nói và cho rằng tình hình sẽ khó lòng thay đổi và thiên nhiên hùng vĩ của châu Phi cũng khó quay lại như trước, nếu như thế giới không cùng nhau tìm ra một giải pháp tích cực nào đó cho Lục địa đen.
Nhiều đàn hà mã có nguy cơ tuyệt chủng khi đang bị mắc kẹt trong bùn dưới các ao khô cạn nước, dẫn tới chết hàng loạt ở Botswana. Vùng đất ngập nước rộng lớn của đồng bằng Okavango ở phía Bắc Botswana, sông Thamalakane bị khô cạn. Botswana là nơi sinh sống của quần thể hà mã sống trong tự nhiên lớn nhất thế giới với ước tính khoảng 2.000 - 4.000 con, theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Hà mã có bộ da dày nhưng nhạy cảm nên chúng cần tắm thường xuyên để tránh bị cháy nắng. Không có nước, hà mã trở nên hung dữ, tiến tới các ngôi làng xung đột với con người.