![]() |
Nếu tình trạng thời tiết bất lợi tiếp diễn, lượng cà phê tồn trữ toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm - Ảnh minh họa. |
Thị trường cà phê toàn cầu đang chứng kiến đợt tăng giá mạnh chưa từng có, đặc biệt là cà phê arabica trên sàn giao dịch ICE đã liên tục lập kỷ lục trong 13 phiên liên tiếp. Phiên giao dịch ngày 10/2 ghi nhận mức giá arabica đạt trên 4,3 USD/pound, mức cao nhất mọi thời đại. Đồng thời, giá cà phê robusta – loại được trồng nhiều ở Việt Nam và sử dụng phổ biến trong cà phê hòa tan – cũng tiệm cận mức kỷ lục với 5.697 USD/tấn, chỉ thấp hơn mức cao nhất từng được thiết lập vào ngày 31/1 vừa qua.
Nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng giá mạnh của cà phê xuất phát từ nguồn cung hạn chế. Các báo cáo chỉ ra rằng nông dân tại các quốc gia sản xuất lớn như Brazil và Việt Nam đang giữ lại hàng thay vì bán ra, với kỳ vọng giá tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khô hạn và nhiệt độ cao tại Brazil đang tác động tiêu cực đến mùa vụ, làm dấy lên lo ngại về sản lượng sụt giảm trong thời gian tới.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nếu tình trạng thời tiết bất lợi tiếp diễn, lượng cà phê tồn trữ toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm. Dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2025/2026 có thể đạt 64,1 triệu bao, nhỉnh hơn so với niên vụ trước, nhưng chưa đủ để xoa dịu thị trường. Trong khi đó, tại Việt Nam – nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, sản lượng cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và chi phí sản xuất gia tăng.
Ngoài các yếu tố cung - cầu, đà tăng giá của cà phê còn bị tác động bởi tâm lý thị trường. Nhiều nhà giao dịch lo ngại rằng giá cà phê sẽ còn tiếp tục đi lên, khiến họ tích cực mua vào để dự trữ, tạo ra vòng xoáy tăng giá. Một số nhận định cho rằng thị trường có thể ổn định trở lại nếu Brazil và Việt Nam có mùa vụ tốt vào năm 2026, hoặc nếu nhu cầu tiêu thụ suy giảm đáng kể do giá cao.
Với mức tăng hơn 35% từ đầu năm đến nay, sau khi đã tăng 70% trong năm ngoái, giá cà phê đang trở thành một trong những mặt hàng có biến động mạnh nhất trên thị trường hàng hóa. Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu giá tiếp tục leo thang, nhiều chuỗi cửa hàng cà phê và doanh nghiệp kinh doanh cà phê có thể phải điều chỉnh giá bán, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cuối cùng.