Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Điện Biên ước đạt 4.134,4ha, tăng 1.093,2ha so với năm 2020 - Ảnh minh họa. |
Thực hiện Đề án "Phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên", trong ba năm qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa cây ăn quả trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, từ tỉnh đến cơ sở, Điện Biên đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển cây ăn quả. 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án; tập trung rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng trồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ghép cải tạo giống cây ăn quả già cỗi, năng suất thấp.
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi 578ha đất lúa và đất trồng cây hàng năm sang trồng cây ăn quả. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt 4.134,4ha, tăng 1.093,2ha so với năm 2020, đạt 82,7% so với mục tiêu của Đề án.
Điện Biên đã hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích 3.192ha. Các loại cây ăn quả chủ lực bao gồm: xoài, mít, dứa, bưởi, lê, bơ... tạo vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và hướng tới cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến lớn như Nafoods Tây Bắc, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, TH True milk...
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư công tác sản xuất giống, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng được quan tâm, giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và tiếp cận thị trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây ăn quả ở Điện Biên vẫn còn gặp một số khó khăn như: sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực của hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế, kênh tiêu thụ chưa ổn định...
Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu lựa chọn cây trồng phù hợp; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu...