Hình ảnh một số nhà yến tại Đắk Lắk đa dạng về mô hình thiết kế |
Ngành nuôi yến tại Đắk Lắk, bắt đầu xuất hiện từ 10 năm trở lại đây, hiện nay đang phát triển rất mạnh cả về số lượng nhà yến cũng như số lượng cá thể chim yến trong tự nhiên. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 2000 nhà yến, chiếm khoảng 7.5% số lượng nhà yến trên cả nước, sản lượng tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pắc, EaSúp, Eakar, Krông Ana…
Ngành yến cũng đã thu hút một lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh khác ( khoảng 30% Số lượng nhà yến của các chủ đầu tư ngoài Tỉnh), góp phần giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác đi theo như: Xây dựng, vật liệu Xây dựng, Vật tư nhà yến, vật tư cho sản phẩm tổ yến, các sản phẩm thực phẩm liên quan đến tổ yến: Tổ yến tinh chế, nước yến, sản phẩm sức khỏe và làm đẹp khác…
Tỉnh Đắk Lắk có vị trí địa lý thuận lợi, với khí hậu nhiệt đới ẩm, nguồn thức ăn phong phú, điều kiện tự nhiên lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của chim yến sinh sống. Mặt khác Đắk Lắk có nguồn tài nguyên đất dồi dào cho quy hoạch xây dựng nhà yến xa khu dân cư, không bị ảnh hưởng tác động ô nhiễm.
Nhu cầu về yến sào trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đang tăng trưởng mạnh mẽ. Người tiêu dùng tại các nước này đánh giá cao giá trị dinh dưỡng và tác dụng làm đẹp của yến sào. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành du lịch và tăng trưởng kinh tế cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ yến sào.
Hiện nay, Đắk Lắk đang đứng đầu khu vực Tây Nguyên về sản lượng tổ yến, với sản lượng hơn 10 tấn/1 năm, đã vượt qua các tỉnh miền trung về sản lượng tổ yến và chất lượng tổ yến cũng được đánh giá cao về hàm lượng dinh dưỡng, hình dạng, màu sắc, độ trong sạch sợi yến, tỉ lệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao.
Công ty CP XNK Yến Sào Thành Dung địa chỉ: thị trấn Phước An – huyện Krông Pắc đã được cấp Mã Code xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và đã xuất khẩu những lô hàng đầu tiên sang thị trường này, Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng có hơn 200 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực yến sào góp phần phong phú cho ngành yến Sào tại địa phương.
Công ty CP XNK Yến Sào Thành Dung xuất khẩu chính ngạch lô tổ yến đầu tiên của Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc |
Tuy nhiên, ngành nuôi yến tại Đắk Lắk còn khá mới, việc xây dựng nhà yến diễn ra một cách tự phát, thiếu quy hoạch, hầu như nằm trong khu dân cư. Nhà yến mọc lên khắp nơi, không theo một trật tự nào, có nhà còn tận dụng những khoảng không gian nhà trên cao để nuôi yến, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhiều nhà yến được xây dựng tại các khu dân cư, gần trường học, bệnh viện, gây ra tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà yến không đúng quy cách còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn, vệ sinh môi trường và có thể gây ra các vấn đề xã hội. Mặt khác, nhiều hộ nuôi yến, đặc biệt là những hộ nhỏ lẻ, vẫn còn thiếu hụt kiến thức cơ bản về sinh học của chim yến và các kỹ thuật nuôi dưỡng hiện đại. Việc áp dụng các phương pháp nuôi truyền thống, thiếu khoa học không chỉ làm giảm năng suất và chất lượng tổ yến mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như dịch bệnh, giảm khả năng sinh sản của chim yến. Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành yến sào Việt Nam trên thị trường quốc tế."
Ngành yến sào Đắk Lắk có tiềm năng phát triển rất lớn vì vậy việc xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển bền vững là vô cùng cần thiết để ngành yến sào Đắk Lắk phát triển một cách ổn định và bền vững. Trên cơ sở Nghị định 13/2020/NĐ-CP, Nghị định 14/2021/NĐ-CP, Hội Đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị Quyết 09/2021/NQ-HĐND tỉnh Đắk Lắk về việc vận hành nhà yến trong khu dân cư, sử dụng âm thanh phù hợp, không bật loa phát gọi ngoài trời gây ô nhiễm tiếng ồn xung quanh, trong đó quy định chi tiết khu vực không được phép xây mới hay cải tạo thành nhà nuôi yến sau ngày nghị quyết có hiệu lực 23/8/2021.
Hình ảnh tổ yến thô tại nhà yến ở Đắk Lắk khi đang còn trên thanh làm tổ trong nhà yến và sau khi đã thu hoạch mang về xưởng để sơ chế bảo quản phục vụ làm nguyên liệu cho sản xuất tinh chế và các sản phẩm chuyên sâu khác.Hình ảnh tổ yến thô tại nhà yến ở Đắk Lắk khi đang còn trên thanh làm tổ trong nhà yến và sau khi đã thu hoạch mang về xưởng để sơ chế bảo quản phục vụ làm nguyên liệu cho sản xuất tinh chế và các sản phẩm chuyên sâu khác |
Ông Phạm Văn Hậu – Chủ tịch Hội Yến sào Đắk Lắk chia sẻ: Chính quyền quản lý cũng cần sớm có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi cho ngành yến, nên khuyến khích kết hợp quy hoạch vùng nuôi yến với quy hoạch du lịch kết hợp nông trại, trong đó có tham quan nhà yến, sử dụng sản phẩm yến địa phương cùng với những chương trình du lịch nông trại của địa phương, Xây dựng những đặc thù, đặc trưng khác biệt riêng cho ngành yến tại địa phương, hướng ngành yến Đắk Lắk trở thành ngành yến dẫn đầu tại Tây Nguyên thông qua đặc trưng vùng nuôi, doanh nghiệp điển hình, sản phẩm chất lượng, chính quyền thân thiện.
Bên cạnh đó, để nâng cao vị thế của yến sào Đắk Lắk trên thị trường trong và ngoài nước, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi đến khâu chế biến là vô cùng quan trọng. Xây dựng thương hiệu yến sào Đắk Lắk có chất lượng sản phẩm tốt, thương hiệu uy tín, yến sào Đắk Lắk mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường và mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân. Để đạt được điều này, ngành yến sào cần khuyến khích các cơ sở sản xuất yến sào đạt các chứng nhận chất lượng quốc tế như ISO, HACCP. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng cho từng sản phẩm yến sào. Tổ chức các sự kiện quảng bá, triển lãm, hội chợ để giới thiệu sản phẩm yến sào Đắk Lắk. Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm yến sào mới, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Hình ảnh từ trên cao 1 mô hình kiểu mẫu dự án đầu tư nhà yến tại bờ hồ hạ huyện Ea Súp của Hợp tác xã Yến Ea Súp được cấp phép phù hợp quy hoạch phát triển |
Với những lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên ưu đãi cùng nhiều yếu tố thuận lợi khác, ngành yến sào Đắk Lắk đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đòi hỏi sự chung tay của Nhà khoa học – nông dân và chính quyền. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có những quy hoạch cụ thể, khoa học về vùng nuôi yến, khuyến khích các mô hình nuôi yến hiệu quả, đồng thời hạn chế tình trạng xây dựng nhà yến tràn lan. Các tổ chức trong ngành, từ các hội, hiệp hội đến hợp tác xã, cần tăng cường hoạt động hỗ trợ, đào tạo cho người nuôi, nâng cao chất lượng tổ yến. Đặc biệt, việc tổ chức các hội thảo, hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến kiến thức mới là vô cùng cần thiết. Chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ giữa các bên, ngành yến sào Đắk Lắk mới có thể vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho địa phương./.