Một địa điểm khai thác cát, làm sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk |
Theo đó, nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn, xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; cụ thể hóa công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật; văn bản chỉ đạo; Phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Lâm Đồng để ban hành Quy chế về phối hợp công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đã đi vào nề nếp. Các Sở, ngành, địa phương đã quan tâm, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoàn thiện thủ tục pháp lý về cấp phép thăm dò, khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản cũng như các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng.
Công tác thanh tra, kiểm tra đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm, thực hiện. Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường trong hoạt động khoáng sản đã bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần chấn chỉnh hoạt động khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản ngày càng đi vào nề nếp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản vẫn còn một số hạn chế như: Công tác phối hợp thực hiện giữa các cơ quan có lúc chưa đồng bộ, vẫn chủ yếu mang tính chất ngành nào quản lý, ngành đó sẽ kiểm tra theo lĩnh vực, do vậy hiệu lực, hiệu quả các đợt thanh tra, kiểm tra đôi khi chưa đem lại kết quả cao. Cụ thể các cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm đối với các tàu thuyền khai thác vận chuyển cát trên sông không gắn bảng hiệu, bảng tên; vi phạm về thời gian khai thác, vận chuyển cát trên sông theo cam kết đã ký (không khai thác, vận chuyển cát vào ban đêm); khai thác cát gây sạt lở bờ sông; giải tỏa các bãi tập kết cát thuộc chỉ giới hành lang an toàn cầu, chưa có biện pháp phối hợp tốt trong việc kiểm soát sản lượng khai thác thực tế…
Để triển khai thực hiện Phương án, UBND tỉnh Đắk Lắk đề ra các giải pháp như: Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền đảm bảo kịp thời, nội dung phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn.
Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tổ chức phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.
Tổ chức, chỉ đạo phối hợp kịp thời, chặt chẽ, có hiệu quả các lực lượng trên địa bàn để thường xuyên kiểm tra; chủ động ngăn chặn, xử lý, giải tỏa kịp thời. Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Công khai rộng rãi các quy hoạch khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực được cấp phép hoạt động khoáng sản đến toàn thể nhân dân để tham gia giám sát, tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền đảm bảo kịp thời, nội dung phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở TN&MT có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk về các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép./.