Diện mạo nông thôn mới huyện Hòa Vang ngày càng khởi sắc - Ảnh minh họa. |
Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển
Tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung gặp khó khăn. Căn cứ vào lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực, huyện tiến hành xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đánh giá đất đai, nguồn nước. Ngoài ra còn xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thanh Tâm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang, Hiện nay trong quá trình triển khai sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện vẫn kiên trì vận dụng, thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Nhà nước luôn nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách mới, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ còn gặp khó!
Địa phương ưu tiên xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ (kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái) theo đặc thù vùng miền. Hiện Đà Nẵng chỉ mới có 3 nông trại làm được điều này, nhưng sau vài năm hoạt động thì “rơi rụng” dần, chỉ còn An Phú Farm là theo đuổi đến cùng và có chút thành tựu. T heo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, ngày 26/8/2024, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL đã khảo sát, kiểm tra các địa điểm đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Hòa Vang. Kết quả đã chọn ra được vùng lúa hơn 5,6 ha tại xã Hòa Phú và xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đủ điều kiện triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng theo tiêu chuẩn hữu cơ, và công ty An Phú Farm là đơn vị liên kết cũng như tiêu thụ sản phẩm của mô hình.
Bà Phan Thị Thắng, T hứ trưởng Bộ Công Thương trong một lần về với Đà Nẵng. |
Doanh nghiệp cần “môi trường sạch”
Sau nhiều năm sang Hàn Quốc học về chăn nuôi hữu cơ, anh Dương Hiển Tú - Giám đốc cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm đã chọn theo đuổi đam mê sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ trùn quế. Anh cho biết: “Nông nghiệp hữu cơ ngày càng được ưa chuộng nhờ những lợi ích vượt trội cho sức khỏe con người lẫn bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển mô hình này không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là đối với các trang trại như An Phú Farm. Những thách thức mà An Phú Farm phải đối mặt không chỉ đến từ các yếu tố khách quan mà còn đến từ một vài khó khăn nội tại của mô hình nông nghiệp hữu cơ”.
Một trong những thách thức lớn nhất của An Phú Farm là tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm. Dù nhu cầu về thực phẩm hữu cơ đang gia tăng, số lượng khách hàng hiện tại vẫn chưa đủ lớn để đảm bảo doanh thu bền vững. Thực tế cho thấy, thị trường cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn nhỏ và đang trong giai đoạn phát triển, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến động của nhu cầu. T hời tiết thay đổi và dịch bệnh là hai yếu tố chưa thể kiểm soát trong nông nghiệp hữu cơ. Các phương pháp hữu cơ không cung cấp các biện pháp phòng ngừa hiệu quả như trong nông nghiệp hóa học. Thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, trong khi dịch bệnh làm giảm đáng kể sản lượng. Những vấn đề này làm tăng sự “không chắc chắn” trong sản xuất và ảnh hưởng đến khả năng cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường. Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu nhiều công sức và chi phí cao hơn so với nông nghiệp truyền thống. Các công việc như nhổ cỏ, bón phân hữu cơ và chăm sóc cây trồng cần đến sự tham gia của nhân công và chưa thể thay thế bằng máy móc. Chi phí cho nhân công tăng cao, trong khi sự thiếu hụt lao động là một vấn đề lớn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng tại Hội chợ nông sản Việt. |
Ngoài ra, An Phú Farm còn gặp phải vấn đề thiếu nguồn cung cấp nguyên vật liệu phân hữu cơ. Việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu chất lượng cao không dễ dàng, đặc biệt khi nhu cầu thị trường ngày càng cao. Sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài và thiếu hụt nguyên liệu có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất và ảnh hưởng đến khả năng cung cấp sản phẩm đúng thời hạn. Một vấn đề đáng lo ngại khác là sự “nhiễu loạn” của thị trường chứng nhận thực phẩm hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp và cửa hàng “tự phong” chứng nhận thực phẩm hữu cơ và bán sản phẩm với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Điều này tạo ra sự nhầm lẫn cho khách hàng và làm giảm giá trị của sản phẩm hữu cơ thật. Khi thấy sản phẩm hữu cơ giá rẻ, nhiều khách hàng có xu hướng chọn mua vì nghĩ rằng họ đang tiết kiệm chi phí, dù chất lượng có thể không được đảm bảo.
Để vượt qua những thách thức này, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, cộng đồng và các tổ chức liên quan nhằm tạo ra một “môi trường sạch” thuận lợi hơn cho sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Những vấn đề như thị trường đầu ra không ổn định, sự biến động của thời tiết, chi phí cao, thiếu hụt lao động, và sự nhiễu loạn của thị trường chứng nhận thực phẩm hữu cơ đều cần được giải quyết một cách đồng bộ và hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển bền vững của mô hình nông nghiệp hữu cơ trong tương lai.