![]() |
Ảnh minh họa |
Theo Báo cáo các Chương trình quan trắc đánh giá, diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Phước, đối với môi trường nước mặt, tổng số vị trí được thực hiện quan trắc môi trường nước mặt năm 2024 là 81 điểm quan trắc, tần suất quan trắc 6 đợt/năm, bao gồm các thông số: nhiệt độ, pH, DO, TSS, COD, BOD5, N-NH4+, N-NO2, tổng Nitơ, tổng Phosphor, As, Cd, Pb, Zn, Fe (sắt tổng), Coliform, hoá chất bảo vệ thực vật gốc clo.
So sánh với kết quả quan trắc của những năm gần đây cho thấy, chất lượng nước tại các lưu vực sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Chiu Riu, sông Măng của tỉnh đang có dấu hiệu xấu đi, mức độ ô nhiễm dần tăng lên. Chỉ số WQI tại 81 điểm quan trắc trong năm 2024 như sau:
30/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt đạt Rất tốt, giảm 09 điểm so với năm 2023 (39/81 điểm quan trắc).
34/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt đạt Tốt, tăng 08 điểm so với năm 2023 (26/81 điểm quan trắc).
12/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt đạt Trung bình, giảm 01 điểm so với năm 2023 (13/81 điểm quan trắc).
04/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt Kém, tăng 01 điểm so với năm 2023 (03/81 điểm quan trắc).
01/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt đạt Ô nhiễm nặng, tăng 01 điểm so với năm 2023 (00/81 điểm quan trắc).
Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do một số suối là nguồn tiếp nhận nước thải từ các Khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất công nghiệp (cụ thể: Suối Tiên và Suối Bưng Rục, thị xã Chơn Thành; Suối Bàu Chu, Suối con chảy qua nhà máy chế biến cao su Thuận Lợi, huyện Đồng Phú...); một số suối đi qua các trung tâm thị trấn, thị xã, thành phố (gồm: suối Đồng Tiền, suối Cà Bè, Suối chợ...), sự thiếu ý thức của một số người dân thường xuyên vứt rác thải, xả nước thải sinh hoạt xuống suối; đồng thời, vào mùa khô lưu lượng nước chảy qua các suối này tương đối thấp, dẫn đến khả năng tự làm sạch kém khiến giá trị các thông số ô nhiễm SOD, BOD5, TSS), dinh dưỡng (N-NH4+, N-NO2, tổng Nitơ, tổng Phosphor) và vi sinh (Coliform) vượt mức giới hạn cho phép của QCVN 08:2023/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Từ kết quả trên, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường kiến nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước chỉ đạo Chi cục bảo vệ môi trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các nguồn thải từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp, trại chăn nuôi heo nơi có các suối là nguồn tiếp nhận đổ vào có kết quả quan trắc chất lượng nước mặt năm 2024 vượt QCVN 08:2023/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh để có giải pháp xử lý kịp thời, hạn chế tác động đến môi trường nước mặt./.