![]() |
Xây dựng tuyến đường hoa nông thôn |
Trong giai đoạn 2021-2025, các tiêu chí NTM được nâng cao, đòi hỏi chất lượng và bổ sung nhiều chỉ tiêu mới. Bình Phước xác định rõ phương châm "chất lượng hơn số lượng", không chạy theo thành tích ảo, không để nợ đọng tiêu chí. Minh chứng là năm 2023, dù có 7 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM và 6 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, nhưng chỉ có 6 xã đạt chuẩn NTM và 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao được công nhận.
Đặc biệt, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đối mặt với nhiều thách thức hơn. Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định các xã khu vực III, II sau khi đạt chuẩn NTM sẽ không còn được hưởng các chính sách ưu đãi về y tế, giáo dục và các chính sách khác. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ đặc biệt từ các cấp chính quyền.
Điển hình là xã Đắk Ơ, một xã biên giới đặc biệt khó khăn với khoảng 40% dân số là người DTTS và tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, cùng với nguồn lực đầu tư lớn, Đắk Ơ đã hoàn thành các tiêu chí NTM và được công nhận vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, việc mất đi các chính sách hỗ trợ sau khi đạt chuẩn NTM cũng đặt ra những lo ngại về đời sống của người dân, đặc biệt là học sinh nghèo và học sinh DTTS.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Bình Phước đã huy động được nguồn lực lớn từ cộng đồng để xây dựng NTM. Năm 2024, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã vận động nhân dân đóng góp hơn 110 tỷ đồng, hiến 93 ha đất và tham gia 10.558 ngày công lao động.
Hệ thống giao thông nông thôn, trường học, thiết chế văn hóa, y tế và hạ tầng số được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục nỗ lực để đạt được những tiêu chí cao hơn, bền vững hơn, đồng thời gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Điểm sáng nổi bật trong xây dựng NTM ở tỉnh Bình Phước thời gian qua là đường giao thông nông thôn. Hầu hết các xã vùng sâu của tỉnh đều hình thành các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã |
Mục tiêu đến hết năm 2025: Phát huy những kết quả đạt được, p hấn đấu có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm: Tân Lợi, huyện Đồng Phú; Lộc Thiện, Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh; Tân Lợi, huyện Hớn Quản; Long Tân, huyện Phú Riềng; Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập; Tân Tiến, huyện Bù Đốp; Đoàn Kết và Đường 10, huyện Bù Đăng.
Phấn đấu đưa 7 xã về đích NTM kiểu mẫu, gồm: Tân Thành, thành phố Đồng Xoài; Thanh Lương, thị xã Bình Long; Minh Thắng, thị xã Chơn Thành; Bom Bo, huyện Bù Đăng; Long Giang, thị xã Phước Long; Thuận Phú, huyện Đồng Phú và Phú Riềng, huyện Phú Riềng.
Để đạt được những mục tiêu này, Bình Phước tập trung vào việc triển khai chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đô thị hóa bền vững và nâng cao đời sống người dân. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng giải quyết 3 vấn đề lớn: giảm chênh lệch kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại./.