![]() |
Ông Nguyễn Văn Giang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước chủ trì Hội nghị. |
Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Văn Giang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cùng tham dự có toàn thể cán bộ, công chức viên chức cơ quan Hội Nông dân tỉnh.
Tại Hội nghị, đại diện Ban Xây dựng hội đã trình bày dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng liên quan đến 8 nội dung trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Phần lớn các ý kiến cho rằng, hiện nay nước ta đang tiến hành tinh gọn, sắp xếp bộ máy để tăng hiệu năng, hiệu quả bộ máy tránh chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Do vậy sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cho phù hợp với bộ máy mới là cần thiết và cấp thiết. Các đại biểu tham dự về cơ bản thống nhất với Dự thảo, tuy nhiên cũng có một số ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
![]() |
Ông Thái Văn Nghi – Phó Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Bình Phước phát biểu ý kiến cho tại Hội nghị. |
Cụ thể, Tại Điều 9 khoản 2, Hiến pháp 2013, có ghi: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” còn tại Dự thảo Hiến pháp năm 2025 – Điều 9 khoản 2: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Về thuật ngữ "trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, đây là điểm mới hoàn toàn trong dự thảo Hiến pháp 2013 chỉ ghi các tổ chức này là "thành viên" của Mặt trận. Ý nghĩa của cụm từ này là tăng cường tính hệ thống, tính phối hợp chính trị của các tổ chức chính trị – xã hội và thể hiện định hướng rõ ràng về vai trò tập hợp của Mặt trận.
![]() |
Bà Lê Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Bình Phước phát biểu ý kiến tại Hội nghị. |
Tuy nhiên, có 02 vấn đề xảy ra: Vấn đề thứ nhất là dễ hành chính hóa hoạt động của Hội Nông dân, làm suy giảm tính chủ động, sáng tạo, phản ánh đặc thù giới – nghề – địa phương của tổ chức Hội (từ “trực thuộc” thường được sử dụng trong cơ cấu tổ chức hành chính, như “Cục trực thuộc Bộ”, “Phòng trực thuộc Sở”. Dẫn đến dễ Hành chính hóa: Hoạt động của Hội bị chi phối bởi quy trình, chỉ đạo, thủ tục hành chính như một bộ máy nhà nước; Mất dần tính độc lập, tự chủ, tự nguyện – những đặc điểm cốt lõi của một tổ chức xã hội; Cán bộ Hội có xu hướng làm theo mệnh lệnh cấp trên, chờ chỉ đạo, thiếu sáng kiến, ít sát thực tiễn đời sống nông dân).
Vấn đề thứ 2: Có thể dẫn đến hiểu nhầm rằng Hội Nông dân không còn hoạt động theo Điều lệ riêng, trong khi dự thảo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thì Hội Nông dân vẫn có con dấu, tư cách pháp nhân, hoạt động theo Điều lệ Hội, là công cụ pháp lý cốt lõi để Hội duy trì hoạt động. Vì vậy, kiến nghị nên thay cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” bằng “là tổ chức chính trị – xã hội là thành viên nòng cốt trong Mặt trận” để đảm bảo tính tự chủ và đúng vị thế của Hội Nông dân Việt Nam theo Điều lệ được công nhận (Đây là 01 ý kiến của đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) - Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội).
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Không chỉ tổ chức lấy ý kiến của cán bộ Hội cấp tỉnh, trước đó, ngày 13/5/2025, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Văn bản số 800-CV/HNDT về việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, hội viên nông dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đến các cơ sở Hội.
Theo ông Nguyễn Văn Giang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước, việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
“Thông qua việc góp ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, hội viên, nông dân; thể hiện ý chí, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên, nông dân về hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” – ông Nguyễn Văn Giang nhấn mạnh.