Hội Nông dân TP Đà Lạt đã triển khai một trong những mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp đầu tiên tại khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung ở Phường 9, thành phố Đà Lạt với diện tích 3.000 m2. Trong đó, hộ nông dân chuyên canh trồng dâu tây chất lượng cao đã hơn 5 năm qua, hàng tháng cắt bỏ hàng trăm ký lá dâu dồn vào một góc vườn để tự hủy.
Một mô hình thu gom phụ phẩm của cây trồng ủ thành phân hữu cơ của thành phố Đà Lạt |
Đến gần nửa năm sau đó, hộ nông dân sẽ thu về một khối lượng phân xanh không nhỏ, nhưng thực chất hàm lượng dinh dưỡng cho cây trồng rất ít, trong khi đó mầm bệnh hại cây trồng chưa triệt tiêu hết, môi trường xung quanh vẫn ảnh hưởng.
Để xử lý tình trạng trên, hộ nông dân thu gom các phụ phẩm khác từ cây dâu trong vườn, chất lại tại một địa điểm phù hợp bên khu vườn để ủ với chế phẩm vi sinh và mật rỉ đường, dự kiến trong 75 ngày tiếp theo sẽ hoại mục trở thành phân hữu cơ sử dụng tại chỗ cho vườn cây.
Tương tự, đối với diện tích 2.000 m2 trồng cây hoa cúc của một hộ nông dân ở Phường 8, Hội Nông dân TP Đà Lạt đã chọn một địa điểm đảm bảo an toàn môi trường để tập kết toàn bộ khối lượng gốc, thân, lá, hoa thải ra sau thu hoạch ủ thành phân hữu cơ. Ước tính trung bình thời vụ khoảng 3 tháng, khối lượng phụ phẩm trên diện tích 2.000 m2 này thu gom khoảng 3 m3 phủ bạt, ủ với mật rỉ đường trong 90 ngày thành phân hữu cơ.
Ngoài ra, Hội Nông dân TP Đà Lạt cũng triển khai mô hình tại khu vực An Sơn, Phường 4 với diện tích 3.000 m2, mô hình luân canh các loại rau ngoài trời, mỗi lứa rau 3 tháng thu gom tổng khối lượng phụ phẩm khoảng 1.500 kg, đạt tỷ lệ gần 100% xử lý thành phân hữu cơ...
Hội Nông dân TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho hay, quy trình thu gom phụ phẩm nông nghiệp ủ thành phân hữu cơ trên địa bàn dựa theo tài liệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai “Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
Sau khi thực hiện, từ tháng 4 đến tháng 7/2024, Hội Nông dân các xã, phường, TP Đà Lạt đã hướng dẫn 73/135 nông hộ, mỗi nông hộ thu gom phụ phẩm cây trồng trên diện tích từ 1.000 m2 đến 3.000 m2 để ủ thành phân hữu cơ. Còn lại 62 nông hộ được chọn tiếp tục xây dựng mô hình hoàn thành từ nay đến cuối năm 2024.
Mục tiêu đến hết năm 2024, tổ chức Hội Nông dân thành phố và phường, xã xử lý tại chỗ khoảng 65 tấn rác thải nông nghiệp hữu cơ, tương ứng giảm hơn 30% lượng phân bón hóa học sử dụng hàng năm của 135 nông hộ thực hành mô hình. Đặc biệt, tại mỗi mô hình triển khai, tổ chức Hội Nông dân thành phố và các phường, xã mời 5 hội viên, nông dân tham gia trao đổi, nắm bắt quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại khu vực sản xuất là việc làm quan trọng, cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong canh tác cây trồng. Qua đó, nông hộ tiếp cận kỹ thuật xử lý mới phụ phẩm nông nghiệp bằng cách ủ thành phân bón hữu cơ để tiếp tục chuyển giao nhân rộng mô hình.