Lúa nếp hương, cây trồng đặc hữu được người dân đầu tư phát triển cho hiệu quả kinh tế, nhiều hộ các xã trồng lúa nếp hương huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) có cơ hội làm giàu. Ảnh Quốc Sơn
|
Vùng cao đổi mới
Xe ô tô trườn lên những cung đèo heo hút gió. Qua kính cửa xe, tôi chiêm ngưỡng những bản làng ẩn hiện dưới thung sâu, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thấp thoáng trong màu xanh sắc lá cây rừng, cheo leo trên lưng chừng núi, còn núi thì điệp điệp, trùng trùng, vời vợi trong màn sương màu khói trên lưng chừng trời. Dưới chân núi một màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ khoe sắc trải dọc hai bên đường, làm không gian vùng cao có hương, có sắc, gợi cảm xúc nồng nàn, bình yên. Tâm thức tôi dồn dập vang lên những ca từ mượt mà, đằm thắm, thiết tha được Nhạc sỹ người Cao Bằng Bế Ngọc Dương gieo vào những nốt nhạc trong ca khúc “Thung lũng sông Gâm” – Một âm hưởng đầy chất lãng mạn, trữ tình: “… Mời anh lên với bản em/Đường lên dốc núi/Mây trèo non cao…”.
Đang đắm mình vào cảnh sắc mê hồn với bao cảm xúc, thì người bạn cùng đi nói với tôi “Đến xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc rồi đấy!”.
Xuân Trường, địa danh đã đi vào lịch sử hào hùng gắn liền với tên tuổi người liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là đây. Sau khi đánh thắng giòn giã hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần, đêm mùng 4 rạng sáng 5/2/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã xuất kích tấn công đồn Đồng Mu (Bảo Lạc), trận chiến đấu diễn ra ác liệt. Tiểu đội trưởng Xuân Trường, tức đồng chí Hoàng Văn Nhủng, dân tộc Tày, quê xã Sóc Hà, Hà Quảng (Cao Bằng) đã chiến đấu anh dũng, hy sinh. Sau khi đồn Đồng Mu bị tấn công, địch rút chạy, xã Đồng Mu được giải phóng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, xã Đồng Mu được mang tên xã Xuân Trường, để ghi nhớ công lao của liệt sĩ Xuân Trường.
Bà Nông Thúy Liễu, cán bộ địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã Xuân Trường hào hứng nói với tôi, nhân dân các dân tộc xã Xuân Trường rất tự hào với truyền thống quê hương, biết khai thác tiềm năng đất đai, phát huy thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả để phát triển kinh tế, làm giàu. Cùng với trồng cây lê xanh, lê vàng là cây ăn quả đặc hữu của địa phương thành hàng hóa, người dân tập trung trồng lúa nếp hương và cây dược liệu hà thủ ô đỏ, chàm tía… Xã có 4 xóm vùng đồng trồng lúa nếp hương, diện tích 73 ha. Gạo nếp hương Bảo Lạc đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. UBND xã đang làm hồ sơ đăng ký cấp chứng nhận VietGAP. Mới đây có công ty đến phối hợp với xã khảo sát để triển khai trồng lúa nếp hương theo hướng hữu cơ. Nhiều hộ trồng lúa nếp hương mỗi năm thu lợi vài chục triệu đến trăm triệu đồng.
Gia đình trưởng xóm Bản Chuồng Mông Văn Quốc là người đi đầu khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, chuyển đổi cây trồng của địa phương, vừa trồng cây lê đặc sản, vừa trồng cây dược liệu chàm tía và trồng hơn 1 ha lúa nếp hương, mỗi năm cho thu lãi cao. Gia đình ông là tấm gương tốt cho cả xóm noi theo. Hiện cả xóm có 114 hộ đều trồng lúa nếp hương, mỗi năm cho thu lợi lớn. Bình quân mỗi hộ trồng từ 0,5 ha đến hơn 1 ha… Nhờ đó kinh tế nhiều hộ được nâng lên, có điều kiện cho con cái ăn học, chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Xuân Trường được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hiệu quả cùng sự nỗ lực thi đua lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc, giờ như được khoác lên mình “tấm áo mới”. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, trường lớp được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao, tình nghĩa quân dân nơi biên giới gắn kết, cùng chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, cây dâu nuôi tằm được huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) tiếp tục xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Ảnh Quốc Sơn |
Khơi dậy tiềm năng
Đường từ xã Xuân Trường đến thị trấn huyện Bảo Lạc, càng đi, đèo dốc càng hiểm trở, cheo leo, một bên là núi cao trùng điệp, một bên là vực sâu thăm thẳm. Xe ô tô vượt qua những cung đèo chênh vênh, rồi lao nhanh xuống con đèo 14 tầng Khau Cốc Chà, làm người ngồi trên xe liên tục ngả nghiêng theo từng vòng cua, con đèo hạ nhanh độ cao qua từng lối ngoặt đến nôn nao.
Dọc đường đi, tôi thấy những chàng trai dân tộc vạm vỡ, khoe tang ngực đỏ au dắt những con bò u da căng bóng, béo nung núc đi bên những thiếu nữ dân tộc luôn nở nụ cười tươi rói trên gương mặt ửng hồng, lưng gùi nhiều sản vật của núi rừng, nách cắp theo con gà hay con lợn đen hối hả xuống chợ phiên, mà chiếc váy cứ đung đưa theo từng nhịp bước. Một hình ảnh sống động, vui mắt, lãng mạn, đậm nét văn hóa vùng cao.
Trong dòng cảm xúc đã gợi cho tôi trở về trang lịch sử vùng đất Bảo Lạc giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Nhân dân các dân tộc Bảo Lạc có truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh kiên cường giành độc lập, bảo vệ lãnh thổ biên cương của Tổ quốc. Điển hình là dòng họ Nông có thế lực lớn cai quản châu Bảo Lạc có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương, mà dấu tích thời đó giờ chỉ còn dinh thự dòng họ Nông là ngôi nhà Tri phủ Nông Hùng Tân làm chức Quản Đạo (Tuần phủ) năm 1890 với kiến trúc cổ độc đáo ngay đầu thị trấn Bảo Lạc. Mong sao di tích được quản lý, bảo tồn, gìn giữ, phát huy đúng giá trị của nó.
Chiếc xe lượn qua khúc ngoặt trên con đường dọc sông Neo, thị trấn Bảo Lạc hiện ra với vóc dáng một thị tứ đang trỗi dậy. Phố huyện sầm uất, nhiều nhà cửa, chợ huyện được xây dựng khang trang, cửa hàng, cửa hiệu hàng hóa phong phú, khách vào ra mua bán tấp nập, nhưng vẫn giữ được vẻ thuần hậu, trầm lắng vốn có của huyện lỵ miền núi.
Mặc dù bận họp với bộn bề công việc cuối năm, Chánh Văn phòng Huyện ủy Bảo Lạc Nguyễn Trung Hiếu vẫn sắp xếp thời gian tiếp chúng tôi. Anh khẳng định, thực hiện nội dung đột phá của Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp an toàn và phát triển cây đặc sản của địa phương theo hướng nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2025, Bảo Lạc đạt được một số kết quả quan trọng. Cây trồng thế mạnh ngoài lúa, ngô, huyện đã hình thành các vùng trồng cây đặc sản, cây dược liệu theo chuỗi liên kết giá trị cho hiệu quả được huyện tiếp tục chỉ đạo phát triển, như các cây: Mận máu, hồi trưng cất tinh dầu, trúc sào, quế, lê, dâu nuôi tằm, lúa nếp hương; cây dược liệu hà thủ ô đỏ, chàm tía …, đã mở ra hướng phát triển mới của huyện trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều sản phẩm sản xuất từ cây đặc sản, cây dược liệu được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Vườn cây dược liệu hà thủ ô đỏ được Công ty TNHH HATODO huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nhân giống cho giá trị kinh tế cao. Ảnh Quốc Sơn |
Thực hiện mô hình trồng dâu, nuôi tằm cho giá trị kinh tế cao, cây dâu được xác định cây trồng chủ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến nay, cả huyện trồng hơn 500 ha cây dâu, năm 2024 sản lượng kén toàn huyện sản xuất, bán 420 tấn. Cùng với đó là các mô hình trồng lúa nếp hương diện tích cả huyện hiện có hơn 100 ha; trồng cây dược liệu hà thủ ô đỏ gần 30 ha, các sản phẩm của người dân được doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện bao tiêu, người dân phấn khởi, yên tâm sản xuất. Nhờ trồng đặc sản và cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây ngô, lúa trên cùng diện tích canh tác mà nhiều hộ dân tộc thiểu số các xã vùng cao của huyện giờ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chăn nuôi cũng phát triển mạnh, nhất là trâu, bò, dê. Các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước quan tâm đầu tư, tạo cơ hội cho người dân phát triển sản xuất. Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào lan toả rộng khắp, làm cho diện mạo nông thôn vùng cao của huyện khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Rời Bảo Lạc trong chiều đầu đông với bao cảm xúc còn đọng lại những tín hiệu vui. Vùng đất tuy còn nhiều gian khó, nhưng giàu tiềm năng đang được đánh thức, khơi dậy tạo ra nguồn sinh lực mới, để Bảo Lạc tiếp tục vươn lên xây dựng quê hương thêm giàu, thêm đẹp.