![]() |
Trí tuệ gửi gắm ý nghĩa sâu xa trong từng bộ. |
Một câu hỏi được đặt ra là: các ông chức cao vọng trọng, học hàm học vị đầy mình sao vẫn vướng vào tham sân si để rồi phải vào lò? “Một ngày tù ngàn thu ở ngoài” Trí khôn của họ đâu hết rồi? Đời người làm báo, dẫu có nhiều mục đích khác nhau nhưng chung quy lại đều là những kẻ đi nhặt nhạnh trí khôn trong thiên hạ để rồi chia sẻ với cộng đồng. Ấy là những bài viết về các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống.
Về chuyện trí khôn, trí tuệ xin được chia sẻ những hiểu biết hạn hẹp của mình. Trong tiếng Việt xưa, chữ Trí Khôn được viết là: 智慧, có thể hiểu là trí tuệ. Chữ trí thì đã rõ, giờ bàn một chút về chữ Tuệ 慧. Theo đó, chữ Tuệ có hai bộ cơ bản: bộ thứ nhất là Tuế 彗 tức cái chổi quét nhà (Tuế tinh 彗星: sao chổi). Tiếp theo là bộ Tâm (心).
Người xưa thường nói: “Nếu tâm không tốt, còn nhiều bụi bặm dơ bẩn, không dùng cái chổi để quét dọn sạch sẽ không có Khôn.” Người miền Nam thường dùng chữ Huệ, và có khi dùng cả Tuệ và Huệ. Thí dụ: trí tuệ, Lục tổ Huệ Năng, phước huệ song tu, giới định tuệ,… Nay nói theo cách dân giã ấy là Trí khôn. Tuệ 慧 (bộ Tâm): sáng trí, hiểu biết tường tận. Đây là chữ thường thấy nhất trong kinh sách (trí tuệ, tuệ nhãn, tuệ giác, v.v.).
Nói về trí khôn hay trí tuệ người ta thường liên hệ đến sự hiểu biết, thông minh, thông thái dùng trong kinh sách, chữ Trí (智) và Minh (明) dựa theo bộ Nhật, nghĩa là đầu óc phải sáng chói như mặt trời. Còn chữ Tuệ lại dựa vào bộ Tâm. Phải chăng đây là một dụng ý uyên thâm của các cao nhân ngày xưa khi sáng tạo ra loại chữ tượng hình. Nếu tâm không tốt, còn nhiều bụi bặm dơ bẩn, không dùng cái chổi để quét dọn sạch sẽ, thì làm sao có tuệ, có khôn?
Người xưa nói: “Tĩnh năng sinh tuệ” (tĩnh lặng có thể sinh ra trí tuệ). Tĩnh lặng có nghĩa là trong lòng không còn những xao động, lòng trong như nước tĩnh tĩnh không động niệm. Làm thế nào để có thể giữ cho tâm trí như nước mà không có bất kỳ sự tạp niệm nào? Trước hết, đem tất cả những ích kỷ và ham muốn đã hình thành tẩy sạch nó đi, để đạt được tĩnh thực sự.
Khi đạt đến cái đích này thì “trí tuệ” được sinh ra, cũng tức là đã “khai tuệ”, “khai ngộ” rồi. Trí tuệ là khả năng nhận thức, học hỏi, hiểu biết và áp dụng kiến thức để giải quyết vấn đề, thích nghi với môi trường. Trí tuệ bao gồm tư duy logic, sáng tạo, khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá thông tin. Người có trí tuệ thường có kiến thức sâu rộng, tư duy sắc bén và khả năng đưa ra quyết định đúng đắn. Cứ như quan niệm của người xưa thì các quan chức vì tham lam mà vướng lao lý không thể gọi là có tuệ hay có khôn./.