![]() |
Các cháu học sinh mầm non, tiểu học ở tỉnh Quảng Bình đến tham quan và trải nghiệm làm nông nghiệp tại An Nông Farm. |
Bỏ việc, bán nhà “vay nợ” để theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp hữu cơ
Vợ chồng anh Lê Đình Quả (SN 1981) và chị Lê Thị Thanh Thủy (SN 1984) cùng trú tại xã Hòa Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình. Cả hai từng là nghiên cứu viên về lĩnh vực nông nghiệp, đôi vợ chồng ở Quảng Bình đã “bỏ phố về quê” để gây dựng thương hiệu nông sản sạch.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hữu Cơ Việt Nam về quyết định xây dựng thương hiệu nông sản sạch của hai vợ chồng, anh Quả cho biết mọi chuyện đều có lý do chứ không phải tự nhiên. “Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành nông nghiệp, mình và vợ đều được nhận về làm nghiên cứu viên tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Hai vợ chồng tôi có gần 10 năm gắn bó làm việc tại đây trước khi chuyển hướng về quê phát triển thương hiệu nông sản sạch như bây giờ”, anh Quả cho biết.
Cũng theo anh Quả, thì sau gần 10 năm làm những việc liên quan đến nghiên cứu, phải đi nhiều nơi, gặp nhiều người, anh và vợ đã phần nào ám ảnh với nền nông nghiệp lạm dụng hóa chất. Làm việc trong viện nghiên cứu, hai vợ chồng anh đã nhận thức rõ thực trạng sản xuất rau, củ, quả mà dùng nhiều chất kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hoặc trồng giống biến đổi gen. Chính những điều này đã khiến cho thực phẩm có nhiều hóa chất, đất đai thì bạc màu và ô nhiễm môi trường.
Chính vì nhận thức được hiện thực đó, vợ chồng anh đã quyết định phải bắt tay vào làm gì đó. Nhưng cần phải làm gì, cần làm như thế nào thì vợ chồng anh phải dành nhiều năm để tìm tòi câu trả lời. “Từ những trăn trở đó, vợ chồng mình luôn ấp ủ trong đầu kế hoạch thành lập trang trại chuyên canh các loại thực phẩm rau, củ sạch theo mô hình hữu cơ phục vụ cho các cháu mầm non, tiểu học, sau đó là các tầng lớp nhân dân”, anh Qủa cho biết.
![]() |
Vợ chồng anh Lê Đình Quả và chị Lê Thị Thanh Thủy tại An Nông Farm. |
Đến năm 2016, vợ chồng anh quyết định bán căn nhà ở Quy Nhơn để về quê hương rồi dấn thân vào làm nông nghiệp sạch, bắt đầu đặt chân vào con đường đầy chông gai. Số tiền có được từ bán nhà được khoảng 600 triệu đồng chỉ đủ để vợ chồng anh Quả mua lại mảnh đất rộng 2,8 ha ở thôn Két, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch. Còn lại mọi chi phí khác đều phải đi vay mượn. Để hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc trồng trọt các loại thực phẩm sạch theo mô hình hữu cơ trên khu đất trên, anh chị phải vay ngân hàng them 600 triệu đồng.
Khó khăn về tiền chưa qua thì gặp phải những khó khăn khi sản xuất nông nghiệp. Lúc mới nhận khu vườn, vợ chồng anh cuốc từng cuốc đất, gieo từng hạt giống. Vợ chồng anh Quả phải tự thiết kế hàng rào, đào mương, xây dựng hệ thống lọc nước, hệ thống điện, dựng nhà… ngày ngày cải tạo đất trồng, để ươm đủ thứ rau mầm, tối đến thì đi cạo mủ cây cao su, sáng sớm thì đi giao rau mầm cho các khách lẻ thân quen. Sau 3 tháng ươm trồng, lứa rau đầu tiên năm 2016 được một số điểm trường, khách hàng mới chấp nhận và ủng hộ, vợ chồng anh mừng ra nước mắt.
Trang trại ‘5 không’
Với mới gặt hái được những “quả ngọt” đầu mùa thì do ảnh hưởng của mùa mưa bão khiến hàng loạt cây cao su trong vườn đồi của anh bị “đốn gãy”, rau màu cũng bị ảnh hưởng. Không nản chí, từ thời điểm đó đến năm 2019, anh Quả tiếp tục vay vốn, cải tạo đất trồng bằng phân thảo dược. Để mở rộng diện tích canh tác, anh chị tiếp tục đầu tư xây dựng hơn 20 khu nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động. Quy hoạch rõ ràng trong từng không gian, vị trí để trồng hơn 40 loại rau củ quả, luân canh hàng năm.
Ngoài việc “biến đất cằn nở hoa” thì anh chị cũng phải đối mặt với khó khăn từ thời tiết khí hậu của địa phương. “Gió Lào nóng khủng khiếp khiến cho các loại rau, củ gần như không sống nổi”, chị Thủy nhớ lại ngày đầu làm nông nghiệp sạch. Để chống lại cái nắng khủng khiếp của gió Lào, giá rét của gió mùa đông bắc anh chị đã cùng nhau xây dựng vành đai chắn gió bằng cách trồng hàng loạt cây lâm sản dài ngày để che chắn gió cho những cây ngắn ngày trong khu đất. Đến nay, trên 30% diện tích của An Nông Farm hiện là cây lâm nghiệp được trồng thành hệ thống vành đai chắn gió đa cấp, giúp giảm tác hại của gió Lào, gió mùa Đông Bắc và kiến tạo được một vùng tiểu khí hậu thuận lợi cho cây rau sinh trưởng tốt quanh năm.
Đến nay, trang trại của anh Quả đã phát triển với tổng diện tích hơn 25.000m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Quy trình sản xuất được hình thành dựa trên 3 yếu tố chính là thuận tự nhiên, công nghệ và bản địa. An Nông tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu 5 không: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen, không dư lượng nitrat
Bên cạnh yếu tố thuận tự nhiên, anh Quả cũng áp dụng nhiều công nghệ nông nghiệp vào canh tác. Đầu tiên phải kể đến là công nghệ vi sinh. Phân bón hữu cơ được ủ thủ công từ dịch chuối, các vi sinh vật lợi khuẩn, phân chuồng, ủ mục tàn dư thực vật, rơm rạ và cỏ dại…
Ngoài ra, anh Quả sử dụng hệ thống tưới phun mưa tự động để tăng hiệu quả sử dụng nước và giảm công tưới. Với mô hình trồng rau hữu cơ, anh Quả cho biết, trang trại không phun thuốc bệnh, thuốc sâu, nếu sâu quá là bỏ, chỉ làm cỏ, luân canh, xen canh để đỡ sâu bọ.
Nhờ phương châm sản xuất trên, các loài rau củ, quả có nguồn gốc từ An Nông Farm luôn được ưu tiên phát triển theo hướng tự nhiên. Từ lúc trồng trọt cho đến lúc thu hoạch các loại rau trồng ở nơi đây đều phát triển hòa chung với thiên nhiên đất trời, không chịu tác động chăm bón của con người, bởi các loại phân hóa chất tăng trưởng...từ đó cho ra các sản phẩm rau sạch chất lượng cao.
Hiện tại An Nông Farm vào mua hè đang canh tác các loại rau như: rau muống, rau ngót, rau đay, khoai, rau lang, mồng tơi, rau dền, bầu bí các loại. Vụ Đông xuân có các loại như: cà rốt, su hào, bắp cải, củ cải, su lơ.... hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp An Nông đã được nhiều người biết đến, các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá ổn định. Mỗi ngày Hợp tác xã cung cấp từ hai đến bốn tấn rau xanh các loại cho hơn 15 trường mầm non trong khu vực, siêu thị Coop Mart và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch An Nông Farm, thu về từ 50 đến 100 triệu đồng. Trung bình sản lượng hằng năm đạt từ 60 - 80 tấn rau củ quả các loại, cho doanh thu đạt từ 1 đến 1,2 tỷ đồng/năm.