![]() |
Ảnh minh họa. |
Chiều 5/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Họp báo công bố và quán triệt triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành Nông nghiệp và Môi trường.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng chuyển đổi số, lần đầu tiên tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khoa học công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu” với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2024/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ; ngày 27/03/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó tập trung vào 7 nhiệm vụ then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Ngành để vươn tầm thế giới.
Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành Nông nghiệp và Môi trường tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, (từ ngày 9 - 10/5/2025).
Hội nghị sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn trong phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng như cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đây sẽ là hội nghị quan trọng nhằm quán triệt tinh thần đổi mới, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống chính sách và chương trình hành động trong toàn ngành. Qua đó, thống nhất nhận thức và trách nhiệm trong quá trình triển khai.
Việc tổ chức họp báo cũng như hội nghị sắp tới thể hiện quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái.
Trong khuôn khổ hội nghị, các bên liên quan cùng trao đổi, đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo thực thi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị một cách đồng bộ, hiệu quả và sát với thực tiễn.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nêu rõ 15 vấn đề lớn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển KHCN.
Thứ nhất, Thứ trưởng nhấn mạnh, đội ngũ các nhà khoa học cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay số lượng giáo sư, tiến sĩ có xu hướng giảm; thu nhập chưa tương xứng khiến việc thu hút và giữ chân nhân tài gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
Thứ hai, cần rà soát lại trình tự phê duyệt các đề tài khoa học để đảm bảo mục tiêu, nội dung và đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn. Bộ KHCN hiện có các quỹ hỗ trợ, song cần thúc đẩy cơ chế để chuyển nhanh từ nghiên cứu sang ứng dụng công nghệ hiệu quả.
Thứ ba, cần cân đối chi ngân sách cấp Trung ương và địa phương.
Thứ tư, Thứ trưởng cho rằng vẫn còn tồn tại tư duy "bao cấp", triệt tiêu động lực sáng tạo, do đó, cần có cơ chế đột phá để giải phóng tư duy này, hướng tới việc làm giàu từ KHCN.
Thứ năm, cần tháo gỡ khó khăn giải quyết khó khăn trong “ba tự chủ”: tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho các đơn vị nghiên cứu.
Thứ sáu, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực. Hiện nay có nhiều trang thiết bị được đầu tư nhưng không đồng bộ, tần suất sử dụng thấp, dẫn đến khấu hao chậm và lãng phí. Cần rà soát, quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ và hiệu quả.
Thứ bảy, cần có cơ chế sử dụng đất đai phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ KHCN.
Thứ tám, cần xây dựng cơ chế tín dụng riêng để hỗ trợ cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Thứ chín, việc phê duyệt kinh phí cho nhiệm vụ khoa học cần được thực hiện đúng tiến độ để tránh tình trạng chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu.
Thứ mười, cần hình thành và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực chủ lực của ngành.
Thứ mười một, các chương trình KHCN cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí.
Thứ mười hai, những chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn lớn, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất cần được ưu tiên về cơ chế và nguồn lực.
Thứ mười ba, cần xây dựng các cơ chế đặc biệt cho các chương trình KHCN phù hợp với đặc thù, nhu cầu và chiến lược phát triển của từng bộ ngành cụ thể.
Thứ mười bốn, các chương trình phục vụ cho Bộ chuyên ngành phù hợp.
Thứ mười lăm, kinh phí nghiên cứu nên được phân bổ theo chuỗi, theo kíp, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. 1. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong toàn ngành. Bảo đảm tối thiểu 25% tổng số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; 2. Hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung 17 Luật chuyên ngành; Rà soát điều chỉnh các quy trình nội bộ trên hệ thống điện tử để thay thế giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính; 3. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý nông nghiệp; Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất; Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai, số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; 4. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao. Thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ quốc gia về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển AI và đào tạo nguồn nhân lực. Đổi mới phương thức thực hiện nhiệm vụ KHCN theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược đáp ứng nhu cầu nhân lực; 5. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của toàn ngành. Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh loại hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; cấp giấy phép tự động, cung cấp dịch vụ số mới được cá nhân hóa; phấn đấu bảo đảm mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 đạt, đảm bảo trên 90% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả. Phát triển các ứng dụng AI hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh; 6. Thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Rà soát, đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); 7. Tăng cường hợp tác quốc tế. Tích cực, chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc, quản trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các cơ chế hợp tác đa phương; Hình thành mạng lưới các nhà nghiên cứu khoa học tìm kiếm cơ hội áp dụng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. |
![]() Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung ... |
![]() Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nay sáp ... |
![]() Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển bền ... |