Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã được triển khai thí điểm trên diện tích 300ha tại 5 tỉnh ĐBSCL - Ảnh minh họa. |
Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) vừa phê duyệt khoản tài trợ lên tới 40 triệu USD, tương đương gần 1.000 tỷ đồng, để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khoản tiền này sẽ được sử dụng để chi trả tiền tín chỉ carbon cho nông dân tham gia Đề án. Đây là một phần trong nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, đồng thời nâng cao giá trị gạo Việt và bảo vệ môi trường.
Tín chỉ carbon, còn gọi là chứng chỉ carbon, là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cho phép chủ sở hữu phát thải một lượng khí nhà kính nhất định, thường được tính bằng tấn carbon dioxide tương đương (CO2e). Mỗi tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2e được loại bỏ khỏi bầu khí quyển hoặc không được phát thải vào bầu khí quyển. Thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc "cung và cầu". Các dự án hoặc hoạt động giảm phát thải khí nhà kính có thể tạo ra tín chỉ carbon và bán chúng cho các tổ chức hoặc cá nhân cần bù đắp lượng khí thải của mình.
Đến nay, Đề án đã được triển khai thí điểm trên diện tích 300ha tại 5 tỉnh, thành ĐBSCL và mang lại những kết quả khả quan. Các mô hình đều cho thấy chi phí sản xuất giảm, giá lúa tăng và thu nhập của nông dân được cải thiện. Doanh nghiệp cũng cam kết thu mua lúa với giá cao hơn thị trường. Dự kiến, đến năm 2025, diện tích lúa giảm phát thải sẽ mở rộng lên 200.000 ha.
Về phía Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết sẽ tài trợ khoản kinh phí của Quỹ TCAF trong vòng 12 tháng thông qua việc ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA). Giai đoạn 1 sẽ chi trả 15 triệu USD (có thể tăng lên 18 triệu USD), dự kiến đàm phán vào tháng 5/2025. Giai đoạn 2 sẽ chi trả 18,3 triệu USD (có thể tăng lên 22 triệu USD).
Ngoài ra, Quỹ TCAF cũng sẽ cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD để tăng cường năng lực thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris, hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính) và các hoạt động khác.
Bộ NN&PTNT đang phối hợp với WB và các cơ quan liên quan để đo đạc, xác nhận tín chỉ carbon từ sản xuất lúa, hướng tới bán tín chỉ cho các tổ chức quốc tế. Hiện có 36 quốc gia tham gia thị trường tín chỉ carbon. Việt Nam đã bán 10,3 triệu tấn CO2 cho WB, thu về gần 1.250 tỷ đồng. Với 1 triệu ha lúa, giá trị tín chỉ carbon có thể đạt 100 triệu USD mỗi năm nếu bán được với giá 10 USD mỗi tín chỉ.
Việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nâng cao giá trị gạo Việt Nam, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường. Thương mại hóa tín chỉ carbon từ dự án này mở ra cơ hội tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả.
Các công ty báo cáo việc sử dụng tín chỉ carbon ra sao? |
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long "hái ra tiền" từ... không khí |
Đắk Lắk mở đường cho thị trường tín chỉ carbon từ lúa gạo Việt Nam |