![]() |
Dự thảo là bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. |
Ngày 25/3, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo nội dung dự thảo, các thủ tục mới chủ yếu tập trung vào việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và cơ chế giao dịch trong thị trường carbon. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng, thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả trong quá trình vận hành thị trường carbon trong nước.
Thị trường carbon được xem là công cụ kinh tế quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải, tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Việc hoàn thiện hệ thống quản lý sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tham gia giao dịch tín chỉ carbon, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực trong việc cắt giảm khí thải.
9 thủ tục hành chính bổ sung mới gồm: Thẩm định kết quả kiểm kê KNK cho các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK; Đăng ký tài khoản trên Hệ thống đăng ký quốc gia; Đăng ký công nhận, điều chỉnh phương pháp luận tạo tín chỉ carbon theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước; Đăng ký, điều chỉnh dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước; Thay đổi thành phần tham gia dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước; Hủy đăng ký dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước; Cấp tín chỉ carbon theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước; Chấp thuận đăng ký chuyển đổi chương trình, dự án đăng ký theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) sang Cơ chế Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris; Chấp thuận chuyển giao quốc tế tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải KNK.
Bên cạnh việc bổ sung 9 thủ tục mới, dự thảo Nghị định cũng đề xuất điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa 3 thủ tục hành chính hiện hành nhằm giảm bớt các rào cản cho doanh nghiệp và tổ chức tham gia thị trường carbon.
Một điểm đáng chú ý khác là các thủ tục mới sẽ được triển khai trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Điều này giúp nâng cao tính minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc quản lý và giám sát hoạt động giao dịch carbon.
Việc thiết lập và vận hành thị trường carbon tại Việt Nam không chỉ góp phần vào việc giảm phát thải khí nhà kính mà còn mở ra cơ hội thương mại hóa tín chỉ carbon, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu từ các hoạt động giảm phát thải. Các chuyên gia đánh giá, nếu được triển khai hiệu quả, thị trường này có thể thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và bền vững.
Dự kiến, dự thảo nghị định sẽ tiếp tục được lấy ý kiến từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ phê duyệt và ban hành chính thức. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.