Các Chính phủ châu Âu tái khẳng định cam kết đóng góp vào khoản hỗ trợ 100 tỷ USD hàng năm dành cho các nước đang phát triển để ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh minh họa. |
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku, Azerbaijan. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ đại dương và mực nước biển dâng cao kỷ lục, hiện tượng băng tan nhanh chóng, các Chính phủ châu Âu đã tái khẳng định cam kết đóng góp vào khoản hỗ trợ 100 tỷ USD hàng năm dành cho các nước đang phát triển để ứng phó với tình trạng này.
Cam kết này được đưa ra tại cuộc họp ngày 8/10 của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg, Bộ trưởng Tài chính EU bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Nhiệt độ đại dương và mực nước biển dâng cao kỷ lục, cùng với hiện tượng băng tan đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, là những minh chứng rõ ràng cho thấy hành tinh đang đối mặt với những thách thức to lớn.
Tuy nhiên, cam kết của EU cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Greenpeace, một tổ chức môi trường quốc tế, đã chỉ trích các chính phủ châu Âu vì chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đối với cuộc khủng hoảng khí hậu. Theo ước tính của Mạng lưới Hành động Khí hậu Toàn cầu, các nước đang phát triển cần khoảng 1.000 tỷ USD tài trợ mỗi năm từ các nước giàu hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu, gấp 10 lần cam kết hiện tại của EU và các nước phát triển khác.
Thực tế, mục tiêu 100 tỷ USD hàng năm, vốn được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với kỳ vọng đạt được vào năm 2020, mới chỉ được hoàn thành vào năm 2022 với tổng số tiền đạt 116 tỷ USD. Trong đó, EU đóng góp khoảng 1/4 thông qua ngân sách EU, Quỹ Phát triển châu Âu và Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
COP29 được dự đoán sẽ là một “sân khấu” nóng với những tranh luận gay gắt về mục tiêu tài chính khí hậu mới sau năm 2025. EU kêu gọi các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, cần có những đóng góp tài chính tương xứng hơn với vị thế kinh tế và lượng khí thải của họ. Greenpeace thì kêu gọi các nhà đàm phán của EU thúc đẩy tăng cường tài chính và đánh thuế các nguồn gây ô nhiễm lớn tại COP29.
Dù vậy, việc đạt được đồng thuận tại COP29 sẽ là một thách thức lớn. Sự khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, về trách nhiệm, mức độ đóng góp và cách thức sử dụng nguồn tài chính, sẽ là những rào cản lớn cần phải vượt qua. COP29, khai mạc vào ngày 11/11 tại Baku, được kỳ vọng sẽ mang đến những giải pháp thiết thực và công bằng cho bài toán tài chính khí hậu, góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.