Gần một nửa lưu vực sông trên toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn bất thường - Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo Tình hình tài nguyên nước toàn cầu, dựa trên dữ liệu 33 năm, hạn hán kéo dài đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng lưu lượng nước trên các con sông trên khắp thế giới. Lưu vực sông Mississippi ở Bắc Mỹ ghi nhận mức nước thấp kỷ lục, giảm 25% so với trung bình nhiều năm. Tương tự, lưu lượng nước sông Amazon, con sông lớn nhất thế giới, cũng giảm 15%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và hàng triệu người dân bản địa. Ở châu Á, sông Hằng, con sông lớn của Ấn Độ, chứng kiến lưu lượng giảm 12%, trong khi sông Mê Kông, nguồn nước chính của Đông Nam Á, cũng thấp hơn 5% so với mức trung bình.
Gần một nửa (47%) lưu vực sông trên toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Nông dân thiếu nước tưới tiêu, nhà máy thiếu nước vận hành, đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn... đó là những hệ quả nhãn tiền của cuộc khủng hoảng nước đang diễn ra.
Không chỉ sông ngòi, các dòng sông băng trên thế giới cũng đang tan chảy với tốc độ chóng mặt do nhiệt độ Trái Đất tăng cao. Lượng băng tan chảy trong năm 2023 ước tính lên tới 3.200 tỷ tấn, cao nhất trong vòng 50 năm qua, góp phần làm tăng mực nước biển và đe dọa nhấn chìm các khu vực ven biển, nơi sinh sống của hơn 700 triệu người.
Các báo cáo khoa học cảnh báo rằng "nước đang trở thành chỉ báo rõ ràng cho tình trạng biến đổi khí hậu". Chu trình nước đang trở nên bất thường và khó lường hơn bao giờ hết, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường giám sát và có biện pháp ứng phó kịp thời.
Dự báo cho thấy tình trạng thiếu nước sẽ còn trầm trọng hơn trong năm 2024, khi nắng nóng kỷ lục tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Điều này đòi hỏi phải có những hành động quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu và khủng hoảng nước.
2024 - Năm của thảm họa nắng nóng, lũ lụt, cháy rừng |
Những ảnh hưởng của La Niña tới môi trường |
Việt Nam: Mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050 |