![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định, biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với toàn ngành, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai và khí tượng thủy văn. (Ảnh minh họa) |
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành nông nghiệp và môi trường, phiên họp Tiểu ban 4 - Thủy lợi, Phòng chống thiên tai, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ tư duy quản trị trong các lĩnh vực này.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định, biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với toàn ngành, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai và khí tượng thủy văn. Những biến đổi bất thường về thời tiết, hiện tượng lũ quét, hạn hán kéo dài hay xâm nhập mặn ngày càng xuất hiện với tần suất và mức độ lớn hơn, không còn là rủi ro cục bộ mà trở thành mối nguy mang tính hệ thống.
“Vấn đề nguồn nước giờ đây không chỉ là một thách thức tạm thời, mà là bài toán nền tảng cho an ninh lương thực, cho quy hoạch công trình thủy lợi, và cả chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia", Thứ trưởng nhấn mạnh. Theo ông, để giải quyết hiệu quả bài toán này, cần phải dựa vào cơ sở khoa học vững chắc, từ đó đưa ra những dự báo chính xác và kịch bản ứng phó phù hợp. Không thể tiếp tục điều hành theo kiểu "cảm tính", thiếu dựa trên dữ liệu và mô hình khoa học.
Thứ trưởng chia sẻ, trong nhiều năm qua, các địa phương vẫn chưa thực sự thay đổi nhận thức trong cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước, công trình thủy lợi và thiên tai. Ông cho rằng vẫn còn tình trạng “báo cáo theo quy trình, chưa gắn với thực tế”, chưa phản ánh hết sự biến động khốc liệt của tự nhiên và sự mong manh trong khả năng thích ứng của con người.
Trong bối cảnh đó, ông kêu gọi các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật cần bước ra khỏi “vòng lặp báo cáo hành chính”, mạnh dạn đề xuất những mô hình mới, cách làm mới, gắn sát với diễn biến thực tế. “Lâu lắm rồi mới có một hội nghị quy tụ được nhiều chuyên gia đầu ngành như thế này. Đây không chỉ là cơ hội để thảo luận, mà còn là dịp để thống nhất quan điểm và cùng nhau xây dựng cơ sở khoa học cho hành động cụ thể”, ông nói.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vai trò của ngành thủy lợi không còn giới hạn ở chức năng cấp, thoát nước hay phục vụ nông nghiệp đơn thuần. Trong bối cảnh hiện nay, thủy lợi cần được nhìn nhận là trụ cột quan trọng trong chiến lược thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng các công trình thủy lợi mang tính thích ứng linh hoạt, có khả năng vận hành theo dự báo khí tượng thời gian thực. Đồng thời, các dự án phải được thiết kế theo hướng đa mục tiêu, đảm bảo tích hợp giữa phòng chống thiên tai, điều tiết nước, và bảo vệ sinh thái.
“Khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mô hình dự báo số sẽ là nền tảng để ngành thủy lợi thực hiện được vai trò mới này. Chúng ta cần coi nghiên cứu nước là lĩnh vực mũi nhọn, bởi nếu không giải được bài toán nước thì sẽ không thể đảm bảo phát triển bền vững,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh rằng thủy lợi không thể tồn tại như một lĩnh vực biệt lập. Các vấn đề về nước hiện nay đều liên quan mật thiết tới nông nghiệp, môi trường, đô thị, khí tượng thủy văn và thậm chí cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Vì vậy, để giải các bài toán lớn, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành thủy lợi buộc phải xây dựng những giải pháp tích hợp, mang tính liên ngành. Đây là cách duy nhất để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài và phù hợp với thực tiễn phát triển.
Không dừng lại ở tầm nhìn chiến lược, Cục trưởng Phong cũng chỉ rõ yêu cầu phải tập trung nguồn lực đúng chỗ, đúng việc. Ông cho rằng, thay vì trải đều đầu tư, cần ưu tiên xử lý dứt điểm những điểm nóng, những khu vực đang đối mặt trực tiếp với thiên tai như hạn hán, lũ quét, xâm nhập mặn hay sạt lở nghiêm trọng. Những vấn đề này không thể chờ đợi các dự án dài hạn mà cần có hành động cụ thể, ngay lập tức, dựa trên đánh giá khoa học và dữ liệu thực địa.
Bên cạnh đó, ông cũng đặc biệt lưu ý đến yếu tố con người. Theo ông, để triển khai thành công các định hướng mới, điều kiện tiên quyết là phải có đội ngũ cán bộ kỹ thuật chất lượng cao, hiểu biết sâu sắc cả chuyên môn lẫn công nghệ.
Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trung tâm, trong đó cần liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước. Chuyển đổi số và hiện đại hóa công trình thủy lợi sẽ không thể diễn ra nếu thiếu những kỹ sư, nhà quản lý có tư duy đổi mới, làm chủ công nghệ và linh hoạt trong thực tiễn.
Trong định hướng dài hạn, ông Nguyễn Tùng Phong đặt ra yêu cầu nâng tầm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy lợi. Theo ông, nghiên cứu không thể tiếp tục ở quy mô manh mún, rời rạc, mà phải xây dựng được những chương trình lớn, có tính hệ thống, có khả năng tạo ra sản phẩm cụ thể và có thể ứng dụng ngay vào thực tế. Những đề tài “ra tấm ra món”, không chỉ giải quyết vấn đề kỹ thuật mà còn gắn với chiến lược phát triển ngành, sẽ giúp đảm bảo rằng đầu tư cho khoa học thực sự đem lại giá trị cho xã hội.
Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành vào ngày 22/12/2024 trong bối cảnh thế giới tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ sang kỷ nguyên số, trong đó khoa học-công nghệ đóng vai trò nền tảng và động lực, đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột dẫn động và tiến trình chuyển đổi số đang tạo nên những bước chuyển mang tính đột phá và định hình sự phát triển của một xã hội tương lai. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030 cũng đã khẳng định rõ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030: - Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. - Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. - Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%. - Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện. Thu hút thêm ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. - Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu. Tầm nhìn đến năm 2045: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. |