![]() |
Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình thực hiện chỉ đạo, báo cáo kết quả về bộ (qua Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai) trước ngày 30/5 để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ. |
Đê điều được ví như "Thành trì vững chắc" bảo vệ sản xuất, cuộc sống của cộng đồng trước thiên tai dị thường, đặc biệt là lũ, bão… Do vậy, công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều để đảm bảo an toàn hệ thống đê đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, theo đánh giá, rà soát của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai hệ thống đê điều tại các địa phương còn nhiều điểm xung yếu.
Việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm đê điều tại một số địa phương còn hạn chế, dẫn đến số lượng vi phạm còn tồn đọng nhiều. Nhiều tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm mái đê, hành lang đê, xây dựng công trình, nhà ở, nhà xưởng, lều quán, tập kết vật liệu trên bãi sông. Chính quyền địa phương một số nơi chưa thấy rõ trách nhiệm, tầm quan trọng của quản lý đê điều, buông lỏng quản lý; chưa kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm.
Trước tình trạng vi phạm đê điều tại một số địa phương,Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 786/QĐ-TTCP về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước về thuỷ lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Tháp.
Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước về thuỷ lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và PTNT và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với một số nội dung như sau:
Tại các địa phưởng, tổ chức kiểm tra, xác minh nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại 06 tỉnh như: Việc quản lý, khai thác một số công trình thủy lợi do địa phương quản lý; việc thực hiện quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai hàng năm tại địa phương; về cơ chế quản lý, điều tiết quỹ phòng, chống thiên tai...
"UBND các địa phương khi phát hiện vi phạm về đê điều đã xử lý không nghiêm, không dứt điểm; không thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thu hẹp không gian thoát lũ", kết luận thanh tra nhấn mạnh.
Sau khi tiến hành Kiểm tra, xác minh Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt vi phạm tại các địa phương. Theo Kết luận thanh tra số 495/KL-TTCP (Gọi tắt Kết luận thanh tra số 495) ngày 09/12/2024 của Thanh tra Chính phủ một số vụ việc vi phạm tại Thái Bình đã được nêu ra với hàng loạt vi phạm, sai với Quy hoạch 257 (dự án, công trình,… hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông không được phép xây dựng). Thứ nhất, Dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Thành An, diện tích sử dụng đất trên 18.800m2, xây dựng nhà máy trái phép tại khu vực bãi sông. Thứ hai, vụ vi phạm đối với Hộ kinh doanh của ông Phạm Văn Phong, diện tích sử dụng đất gần 10.400m2, kinh doanh vật liệu trái phép tại khu vực bãi sông, vi phạm Điều 7 Luật Đê điều năm 2006. Cơ quan chức năng Thái Bình đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đê điều lần lượt 9 lần và 13 lần (chưa bao gồm việc xử phạt vi phạm hành chính của công an các cấp) nhưng chưa xem xét, xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Thái Bình ban hành Kế hoạch kiên quyết thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ
Ngày 10/4 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc Thực hiện Kết luận thanh tra sô 495 về công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn (nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo phân công tại Kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nội dung kết luận, kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 495. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến tồn tại, thiếu sót, vi phạm được chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 495 và có biện pháp xử lý kịp thời đúng người, đúng việc theo đúng quy định.
Đối với nội dung xử lý về trách nhiệm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại, thiếu sót, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra số 495. Căn cứ kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định.
![]() |
UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc Thực hiện Kết luận thanh tra số 495 về công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ NN&PTNT (nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường). |
Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch, UBND tỉnh Thái Bình giao, thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ Kết luận Thanh tra số 495 tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công, đảm bảo theo đúng mục đích, yêu cầu của Kế hoạch.
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường: Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện Kế hoạch; Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về ủy ban nhân dân tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ.
Giao Thanh tra tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện Kết luận thanh tra số 495 đảm bảo hiệu quả, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; thường xuyên báo cáo kết quả về ủy ban nhân dân tỉnh (theo Văn bản số 693/VP-NCKS ngày 18/10/2024 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh).
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, lập thời báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Môi trường) xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Kế hoạch nêu rõ, thời gian hoàn thành của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trước ngày 15/5/2025. UBND tỉnh Thái Bình hoàn thành truớc ngày 15/6/2025.
Đối với nội dung kiến nghị về khắc phục các tồn tại thiếu sót, chỉ ra tại Kết luận Thanh tra số 495 trong các lĩnh vực gồm: Lĩnh vưc quản lý nhà nước về Thủy lợi; Lĩnh vưc quản lý Nhà nước về đê điều; Lĩnh vực bảo vệ và sử dụng đê điều (công tác xử lý vi phạm); Lĩnh vực về xây dựng, chủ trương đầu tư các dự án cụ thể.
Các nội dung kiến nghị về khắc phục các tồn tại thiếu sót Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện (bao gồm các Sở ngành, các doanh nghiệp, cá nhân, các UBND xã, huyện, thành phố có liên quan), nội dung Kế hoạch nêu rõ phương hướng khắc phục, thời gian hoàn thành.
Qua đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực được giao và Kết luận thanh tra, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chủ động khắc phục những tồn tại, thiếu sót đã được chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 495.
"Hệ thống đê điều trước tiên như "Thành trì vững chắc," như một vành đai khép kín, bảo vệ sản xuất và cuộc sống người dân. Đơn cử như hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình có khả năng bảo vệ an toàn cho khoảng 25 triệu dân sinh sống quanh khu vực đê này. Cùng với đó, hệ thống đê ngoài tác dụng về công tác phòng, chống thiên tai còn là những tuyến đường giao thông, tạo ra hành lang giao thương lớn, kết nối các vùng miền, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương", ông Trần Công Tuyên - Trưởng phòng Quản lý đê điều thuộc Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. |
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình thực hiện chỉ đạo, báo cáo kết quả về bộ (qua Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai) trước ngày 30/5 để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu phạm tội thì chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cần kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm kéo dài
Việc UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND không chỉ nhằm khắc phục các vi phạm chung mà còn tập trung vào việc xử lý các vi phạm cụ thể, từ đó đảm bảo tính nghiêm minh trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai.
Trước đó, với hành vi, vi phạm kéo dài của ông Nguyễn Văn Thám (Công ty TNHH thương mại và vận tải Tín Thành Hưng) tại Km16+650 tuyến đê Tả Trà Lý thuộc địa phận xã Hoa Nam, huyện Đông Hưng (hành vi đào, xẻ mặt đê sâu 0,3m ngang qua đê để lắp đặt các khối bê tông đúc sẵn (hình chữ U) kích thước 1 tấm: dài 1,8m, rộng 1,5m, cao 1,0m, số lượng: 06 tấm). Ông Thám đào, xẻ lắp hệ thống băng tải xuyên qua lòng đê ngang nhiên truyền tải các loại vật liệu xây dựng vào phía bên trong khu tập kết rộng hàng nghìn m2, phục vụ cho trạm bê tông Tín Thành Hưng là sai phạm tồn tại 6 năm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều và tính mạng, tài sản của nhân dân. Nội dung này dù đã được lập biên bản vi phạm hành chính 3 lần, đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nhưng hiện thời vẫn ngang nhiên tồn tại. Đây là sai phạm mà ngành chức năng huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cần xử lý dứt điểm, để tránh gây ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
![]() |
Hành vi, vi phạm kéo dài 6 năm của ông Nguyễn Văn Thám (Công ty TNHH thương mại và vận tải Tín Thành Hưng) gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều và tính mạng, tài sản của nhân dân vẫn ngang nhiên tồn tại. |
Mới đây, để tiếp tục phối hợp thông tin về quản lý bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai bão lũ, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đối với huyện Vũ Thư, Sở NN&MT tỉnh Thái Bình cho biết, hiện vẫn còn hành vi, vi phạm kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Theo đó, nổi cộm lên là vi phạm của trạm trộn bê tông Việt Duy (chân cầu Tân Đệ). Đây là doanh nghiệp đã bị ngành chức năng lập biên bản vi phạm hành chính khi vi phạm luật phòng, chống thiên tai kể từ thời điểm năm 2022. Tuy vậy, đến nay trạm bê tông này vẫn tồn tại, có phần biến tướng thêm sai phạm.
Cụ thể, ngày 3/01/2022, tại Km 159+500 đê Hồng Hà II, thôn Bổng Điền Bắc, xã Tân Lập, Hạt quản lý đê điều huyện Vũ Thư đã lập biên bản vi phạm hành chính số 28A/BB-VPHC về phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều đối với ông Trần Sách Duyên (SN 1973).
Ông Duyên đã có hành vi vi phạm khi lắp đặt trạm trộn bê tông mini, cách chân đê phía sông khoảng 500m với thể tích là 0,3m3. Tám trụ đỡ (0,4x0,4), cao 1m đỡ hai bồn trộn bằng kim loại hình trụ cao khoảng 5m, đường kính mỗi bồn khoảng 1,3m, một trụ vận hành cao khoảng 3m.
![]() |
Hiện trạng hành vi, vi phạm của trạm bê tông Việt Duy tại thời điểm bị Hạt quản lý đê điều huyện Vũ Thư đã lập biên bản vi phạm hành chính ngày 03/01/2022. |
Đến ngày 14/01/2022, UBND xã Tân Lập ban hành văn bản số 33/QĐ-XPHC trong lĩnh vực phòng, chống thiên tại, thủy lợi đê điều Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Sách Duyên, trú tại thôn Tân Đệ, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã có hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống thiên tai năm 2014 tại khoản 4, Điều 12. Căn cứ Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, khoản 1, Điều 5, hình thức xử phạt là phạt tiền với mức phạt là 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, văn bản này nêu rõ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày 14/01/2022 đến ngày 23/01/2022. Quá thời hạn trên, nếu ông Trần Sách Duyên cố tình không chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành. Đồng thời, buộc khôi phục, trả lại hiện trạng như ban đầu. Nếu ông Trần Sách Duyên không chấp hành việc tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ghi như trong biên bản vi phạm.
Tiếp đó, ngày 25/01/2022 và 17/02/2022 Sở NN&PTNT Thái Bình (nay là Sở NNMT) đã 2 lần có văn bản về việc xử lý vi phạm pháp luật đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Vũ Thư.
Trong 2 văn bản này, Sở NN&MT Thái Bình đều cho biết, hành vi trên (hành vi của ông Trần Sách Duyên –PV) đã vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai. Hạt quản lý đê điều huyện Vũ Thư đã phát hiện kịp thời, lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo kiến nghị Ủy ban nhân dân xã Tân Lập tiến hành xử lý vi phạm trên theo thẩm quyền.
Tuy nhiên đến nay, vi phạm trên vẫn chưa được xử lý. Để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, Sở NN&MT đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, UBND xã Tân Lập xử lý nghiêm tình trạng vi phạm đã nêu, yêu cầu các chủ vi phạm tháo dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu theo quy định của pháp luật.
Mới đây nhất 28/02/2025 trong văn bản gửi chung 2 huyện Kiến Xương, Vũ Thư, thêm một lần nữa Sở NN&MT Thái Bình tiếp tục nhắc vi phạm của trạm bê tông Việt Duy.
Đáng nói là, qua công tác kiểm tra hiện trường thu dỡ ngày 27/02/2025 trạm trộn bên tông Việt Duy của ông Trần Sách Duyên, Hạt quản lý đê điều Vũ Thư và UBND xã Tân Lập xác định, ông Duyên đã tháo dỡ 2 silo, tuy vậy lại dựng 1 khối hộp bằng kim loại tại vị trí này.
Không những thế, hệ thống trạm trộn bê tông của ông Duyên chưa thu dỡ theo Thông báo số 1606/TB-UBND ngày 6/11/2024 của UBND huyện Vũ Thư.
![]() |
Trạm bê tông Việt Duy của ông Trần Sách Duyên đã vi phạm đã tồn tại 3 năm nay, không những không được xử lý dứt điểm, mà còn ngang nhiên biến tướng tồn tại. |
Cũng theo Sở NN&MT các hành vi, vi phạm đê điều và phòng, chống thiên tai, đất đai…Hạt quản lý đê điều đã có báo cáo kiến nghị gửi UBND huyện Vũ Thư và các đơn vị có liên quan. Đề nghị tiến hành xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay qua kiểm tra của Chi cục thủy lợi, các hành vi, vi phạm nêu trên vẫn chưa được xử lý.
Theo văn bản này, để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, Sở NN&MT đề nghị UBND huyện Vũ Thư chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, công an huyện, UBND nơi để xảy ra vi phạm: Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, kiên quyết xử lý, giải tỏa ngay vi phạm đã nêu. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, lập hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Tập chung xử lý dứt điểm các vi phạm cũ còn tồn đọng trên các tuyến đê thuộc địa bàn quản lý. Kết quả xử lý gửi về Sở NN&MT (thông qua Chi cục thủy lợi) trước ngày 6/03/2025 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Như vậy có thể thấy, dù Sở NN&MT tỉnh Thái Bình, đặc biệt là Chi cục thủy lợi, liên tiếp bám sát, đôn đốc UBND huyện Vũ Thư, các đơn vị liên quan xử lý hành vi, vi phạm tại trạm trộn bê tông Việt Duy của ông Trần Sách Duyên.
Tuy nhiên, vi phạm đã tồn tại 3 năm nay không những không được xử lý dứt điểm, mà còn ngang nhiên biến tướng tồn tại. Với việc UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc Thực hiện Kết luận thanh tra số 495/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, hi vọng trong thời gian tới đây hành vi, vi phạm này sẽ được ngành chức năng địa phương lưu tâm và xử lý triệt để.
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, đến nay, nước ta đã xây dựng được hệ thống đê điều có quy mô rất lớn với khoảng 9.708km đê; trong đó 2.776km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, trên 1.100km kè bảo vệ đê, trên 1.500 cống dưới đê, trên 600 kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão, trên 1.400 điếm canh đê. Đây là hệ thống công trình có nhiệm vụ chống lũ triệt để, bảo vệ cho các khu vực dân cư tập trung, diện tích và độ sâu ngập lụt lớn, các cơ sở hạ tầng, trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước. Cùng với hệ thống hồ chứa thượng nguồn các dòng sông góp phần giảm thiểu và điều tiết lũ, hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng, là thành trì vững chắc trước thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, do hệ thống đê lớn, hình thành từ lâu đời, chủ yếu đắp bằng đất, dưới tác động của mưa, lũ, bão nên nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp, khó đảm bảo an toàn khi phải chống chọi với lũ, bão lớn. Việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều là cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trước mùa mưa bão, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
|