![]() |
Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra, xử lý, đối với các dự án có vi phạm theo Kết luận Thanh tra số 495/2024 của Thanh tra Chính phủ. |
Cần xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm đê điều
Mới đây, với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về đất đai và đê điều, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra, xử lý, đối với các dự án có vi phạm theo Kết luận thanh tra số 495/2024 của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, các dự án, vụ việc được yêu cầu xem xét, xử lý vi phạm gồm: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thành An; kinh doanh vật liệu trái phép của ông Phạm Văn Phong; Dự án của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Việt Hùng; Dự án đầu tư xây dựng bến bãi trung chuyển, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng cho Hộ kinh doanh Bùi Xuân Tấu; Dự án đầu tư xây dựng bến bãi trung chuyển, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Duẩn Dung…
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các dự án, vụ việc nêu trên bị Thanh tra Chính phủ kết luận vi phạm Luật Đê điều năm 2006, Luật Đất đai năm 2013 và quy định pháp luật có liên quan.
Thanh tra Chính phủ cho rằng tỉnh Thái Bình đã phát hiện vi phạm nhưng xử lý không nghiêm, không dứt điểm, vi phạm Luật Đê điều; không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều đối với các vi phạm trên, ảnh hưởng đến không gian thoát lũ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 495/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình thực hiện chỉ đạo, báo cáo kết quả về bộ (qua Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai) trước ngày 30/5 để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu phạm tội thì chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
![]() |
Trụ sở UBND tỉnh Thái Bình. |
Trước đó, theo thống kê, từ năm 2018 đến 2023, toàn tỉnh Thái Bình có 642 vụ vi phạm về đê điều, trong đó còn tồn đọng 348 vụ, lĩnh vực thủy lợi xảy ra 969 vụ (đã xử lý 191 vụ, còn tồn đọng 778 vụ). Nguyên nhân chính đến từ việc quản lý chưa chặt chẽ, nhận thức của một số người dân về pháp luật đê điều còn hạn chế, và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa hiệu quả.
Ngày 2/2/2024 UBND tỉnh Thái Bình đã có Văn bản số 454/UBND-NNTNMT yêu cầu các địa phương khẩn trương vào cuộc xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng chưa giải quyết về lĩnh vực đê điều trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay, việc xử lý còn chậm chuyển biến, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Đối với xử lý vi phạm, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu trong quý I/2024 xử lý dứt điểm tối thiểu 50% vi phạm tồn đọng (ưu tiên xử lý trên các tuyến đê cấp I, II, III; các tuyến kênh trục chính, cấp 1, cấp 2).
Chính quyền quyết liệt xử lý, doanh nghiệp chây ì vi phạm
Hiện nay, tỉnh Thái Bình đang thực hiện quyết liệt và kiên quyết để bảo vệ hệ thống đê điều, thủy lợi giúp người dân ổn định trước thiên tai và bão lũ. Đảm bảo an toàn đất sản xuất nông nghiệp, đời sống, kinh tế của nhân dân. Tuy vậy, với thực trạng sai phạm đang diễn ra, việc xử lý những vấn đề còn tồn đọng đã kéo dài nhiều năm là một bài toán cần nhanh chóng được tháo gỡ, bởi sự chung tay của các ngành chức năng có liên quan.
Đơn cử tại huyện Đông Hưng, vi phạm của cá nhân ông Nguyễn Văn Thám được cán bộ Hạt quản lý đê điều trên tuyến đê tả Trà Lý phát hiện hành vi, vi phạm pháp luật từ năm 2019 nhưng đến nay sai phạm này vẫn hiện hữu, thậm chí có phần nghiêm trọng hơn.
Cụ thể, tại Km16+650 tuyến đê Tả Trà Lý thuộc địa phận xã Hoa Nam: ông Nguyễn Văn Thám đào, xẻ mặt đê sâu 0,3m ngang qua đê để lắp đặt các khối bê tông đúc sẵn (hình chữ U) kích thước 1 tấm: dài 1,8m, rộng 1,5m, cao 1,0m (số lượng: 06 tấm). Hạt quản lý đê điều huyện Đông Hưng cùng UBND xã Hoa Nam đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm Luật đê điều đối với ông Nguyễn Văn Thám 3 lần (vào các ngày 4,5,8/10/2019), yêu cầu ông này dừng ngay việc làm vi phạm pháp luật trên, tự thu dọn toàn bộ công trình vi phạm và hoàn trả lại mặt bằng mặt đê như ban đầu.
![]() |
Hạt quản lý đê điều huyện Đông Hưng cùng UBND xã Hoa Nam đã lập biên bản 3 lần về hành vi vi phạm của ông Thám nhưng đến nay vi phạm này vẫn hiện hữu. |
Ngày 7/10/2019, Hạt quản lý đê điều huyện Đông Hưng, Thái Bình ban hành văn bản số 41/KN-ĐĐ kiến nghị về việc ngăn chặn, xử lý vi phạm Luật đê điều đối với hành vi, vi phạm nói trên. Nội dung văn bản nêu rõ: Để đảm bảo an toàn công trình đê điều, thực hiện nghiêm pháp luật về đê điều; Hạt quản lý đê điều huyện Đông Hưng: Yêu cầu ông Nguyễn Văn Thám thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu của biên bản vì phạm do Hạt quản lý đê điều huyện Đông Hưng và UBND xã Hoa Nam đã lập. Phải dừng ngay việc làm vi phạm pháp luật về đê điều, tự thu dọn toàn bộ công trình vi phạm trên và hoàn trả lại mặt bằng bãi sông xong trước ngày 09/10/2019. Đề nghị UBND xã Hoa Nam có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 25/10/2019 UBND huyện Đông Hưng có Chỉ thị số 03/CT-UBND Về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông; Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh Thái Bình về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển. Chỉ thị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chủ tịch UBND các xã duyên giang, trưởng các phòng, ban, ngành đơn vị thuộc UBND huyện Đông Hưng. Qua đó, yêu cầu các đơn vị nhận Chỉ thị thực hiện nghiêm túc thường xuyên và báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện (qua phòng NN&PTNT).
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thám đào, xẻ mặt đê dùng hệ thống băng tải xuyên qua lòng đê ngang nhiên truyền tải các loại vật liệu xây dựng vào phía bên trong khu tập kết. |
Về sai phạm của ông Thám, đây có thể được xem là hành vi, vi phạm nghiêm trọng kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm, gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Việc ông Thám dùng hệ thống băng tải xuyên qua lòng đê ngang nhiên truyền tải các loại vật liệu xây dựng vào phía bên trong khu tập kết rộng hàng nghìn m2, phục vụ cho trạm bê tông Tín Thành Hưng là sai phạm tồn tại nhiều năm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều và tính mạng, tài sản của nhân dân.
![]() |
Ông Thám dùng hệ thống băng tải xuyên qua lòng đê truyền tải các loại vật liệu xây dựng vào phía bên trong khu tập kết rộng hàng nghìn m2, phục vụ cho trạm bê tông Tín Thành Hưng. |
Theo đó, Công ty TNHH thương mại và vận tải Tín Thành Hưng có trụ sở chính là tại nhà ông Nguyễn Văn Thám, thôn Đồng Cống, xã Minh Phú, huyện Đông Hưng (Thái Bình). Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Quyên.
Ngày 2/4/2025 qua trao đổi, ông Lương Đức Tuân, phó phòng NN&MT huyện Đông Hưng cho biết: “Sai phạm đã diễn ra trong thời gian dài, trước đó năm 2019 căn cứ theo quy định của pháp luật, Công an xã Hoa Nam tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thám về hành vi, vi phạm luật Đê điều số tiền 2 triệu đồng”.
Cũng theo ông Tuân, mới đây ngày 21/1/2025 UBND huyện cũng đã có văn bản số 81/UBND-NN về việc ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện Đông Hưng.
Về phía Chi cục thủy lợi (Sở NN&MT tỉnh Thái Bình) cùng ngày (2/4), qua trao đổi một lãnh đạo Chi cục cho rằng: “Việc còn tồn đọng các vi phạm đê điều trong thời gian dài, không xử lý dứt điểm có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, ngành chức năng trực tiếp tại địa phương chưa thực sự quyết liệt và mạnh tay là một yếu tố khiến doanh nghiệp chây ì trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều”.
“Thời gian tới đây không chỉ riêng huyện Đông Hưng, mà tỉnh Thái Bình sẽ có kế hoạch và phương án rõ ràng, quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm đê điều, thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh” – vị này cho biết thêm.
Được biết, ngày 10/4 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã ra văn bản số 55/KH-UBND "Kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra số 495/KL-TTCP ngày 9/12/2024 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng chống, thiên tai tại Bộ NN&PTNT (nay là Bộ NN&MT)". Tại Kế hoạch này nêu rõ mục đích, yêu cầu, xử lý, khắc phục, phương hướng tổ chức thực hiện. Qua đây, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố, các cá nhân tổ chức có liên quan nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch.
Việc đào xuyên đê (đào hầm, đường ống, cống hoặc bất kỳ công trình nào xuyên qua thân đê điều) là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều và tính mạng, tài sản của nhân dân.Việc đào xuyên đê có thể gây rò rỉ nước qua thân đê (hiện tượng thẩm thấu), dẫn đến mềm thân đê, xói lở. Dễ gây vỡ đê trong mùa mưa bão, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Theo Luật Đê điều 2006, Điều 26, Khoản 2: Nghiêm cấm việc khoan, đào, xẻ, xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến sự ổn định của đê điều, đặc biệt là thân đê, chân đê, mái đê. Điều 12: Mọi hoạt động xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Nếu không được phép mà vẫn thực hiện là hành vi trái phép. Tùy mức độ vi phạm, người thực hiện có thể bị: Xử phạt hành chính: Theo Nghị định 104/2017/NĐ-CP: Phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng cho hành vi xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều. Buộc khôi phục hiện trạng: Cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế, yêu cầu phá dỡ công trình vi phạm và khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Truy cứu trách nhiệm hình sự: Nếu gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ: vỡ đê, gây chết người, thiệt hại lớn), có thể bị truy tố theo Bộ luật Hình sự, như: Tội hủy hoại công trình quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 BLHS), hoặc tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
|