Vào vụ thu hoạch, dâu tây giá rẻ ngập tràn trên đường phố, trong đó không loại trừ tình trạng “đánh cắp” thương hiệu dâu tây “chính hãng”. (Ảnh minh họa) |
Mờ nhạt thương hiệu nông sản
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình để phát triển thương hiệu nông sản. Trong đó phải kể đến như: Chương trình sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020; Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 – 2030 theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2019.
Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu gồm: Thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ.
Tuy vậy, thương hiệu nông sản Việt đến nay vẫn rất “mờ nhạt”. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng.
Đây chính là “môi trường” thuận lợi cho vấn nạn “đánh cắp” thương hiệu nông sản Việt. Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều loại hoa quả Việt Nam đã bị các thương lái “nhập nhèm”, nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt.
Đơn cử như dâu tây - một nông sản OCOP có tiếng của tỉnh Sơn La. Thời điểm thu hoạch dâu tây ở Sơn La cũng trùng với vùng trồng dâu tây ở các địa phương bên kia biên giới. Qua đường tiểu ngạch, lượng lớn dâu tây Trung Quốc được dân buôn nhập về, không chỉ bán buôn mà còn bán lẻ; gắn mác là dâu tây Sơn La, nhưng giá chỉ bằng ½ giá dâu tây Sơn La “chính hãng”.
Theo ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn (Sơn La), quả dâu tây Trung Quốc trên thị trường ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ quả dâu tây Sơn La. Để giải quyết vấn đề này, huyện đang phối hợp để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả dâu tây.
“Việc xây dựng thương hiệu cho các quả dâu tây Sơn La nói chung và thương hiệu quả dâu tây của hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn là rất quan trọng và cấp thiết trong thời gian tới”, ông Hào khẳng định.
Không chỉ dâu tây mà hiện nhiều sản phẩm nông sản cũng đang trong tình trạng tương tự. Mặc dù là một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhưng tính đến cuối năm 2023, cả nước mới có có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia (cao su, cà phê, gạo, cá tra, tôm,...) thì mới có 2 sản phẩm được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là cao su và gạo; còn tôm, cá tra, cà phê,... đang trong quá trình xây dựng.
Nâng cao nhận thức về thương hiệu nông sản
Tình trạng nhập nhằng nguồn gốc là nỗi lo của người nông dân trồng dâu tây ở Sơn La. (Trong ảnh: Trang trại dâu tây ở Bản Áng 2, thuộc xã Đông Sang, thị trấn Mộc Châu, Sơn La) |
Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), việc làm cấp thiết hiện nay là cần có nhãn hàng chung cho nông sản Việt Nam và phải xây dựng được logo.
“Trong trong câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thậm chí là Bộ Ngoại giao”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Để xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản, ông Nghĩa cũng như các chuyên gia nông nghiệp đều nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, truyền thông. Báo chí, truyền thông không chỉ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị của nông sản mà còn đưa thương hiệu nông sản Việt vươn xa, bay cao, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng năm, Trung tâm tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm nông sản. Tất cả các sự kiện diễn ra đều có sự ủng hộ mạnh mẽ của truyền thông, báo chí. Hàng nghìn bài báo đưa tin về các sự kiện, giúp cho các thương hiệu nông sản vươn xa hơn trong nước và quốc tế.
“Những thông tin không chỉ có sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng mà còn làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, nông dân, người sản xuất nói riêng và của công chúng nói chung về tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá thương hiệu nông sản”, ông Tiến khẳng định.
Đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông, các chuyên gia cũng cho rằng, để công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu nông sản Việt Nam thì cần xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên sâu, am hiểu về nông sản và xây dựng thương hiệu nông sản. Đội ngũ phóng viên, nhà báo viết về đề tài thương hiệu nông sản cũng cần tranh thủ, vận dụng kiến thức chuyên gia để có những kiến thức chuyên sâu, từ đó có cách tuyên truyền hiệu quả nhất đến người tiêu dùng cũng như quảng bá thương hiệu nông sản Việt đến với thị trường quốc tế.